Phạt lao động công ích: Hay nhưng còn vướng

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng mới đây, đại biểu Huỳnh Minh Chức đã đề xuất các trường hợp vi phạm giao thông ba lần trở lên phải được học tập, ký cam kết không vi phạm hoặc tập trung lao động bắt buộc, cưỡng bức lao động công ích để giáo dục, răn đe.

Trên thế giới hình thức phạt này không mới nhưng ở nước ta lại chưa có bởi vướng mắc nhiều lý do. Trong khi đó, người vi phạm cho biết họ sợ bị phạt lao động hơn phạt tiền nhiều lần.

Người dân ủng hộ mạnh mẽ

Ý kiến của đại biểu Chức được đa số bạn đọc ủng hộ mạnh mẽ. “Nếu so sánh với mất tiền thì con người sợ mất công và mất mặt hơn. Với một số lỗi không thể phạt tiền quá cao thì phạt quét rác, phục vụ bệnh viện một buổi là đủ nhớ đời” - bạn đọc Thanh Thảo nói. Đồng tình, bạn đọc NgoVan cho rằng: “Sẽ có tác dụng mạnh và còn răn đe được với người khác khi nhìn vào”.

Góp ý thêm, bạn KP nói: “Không cần tái phạm mà với những lỗi bắt tại trận thì phạt luôn tại chỗ”. “Hiệu quả xã hội sẽ rất cao, chắc chắn có tác dụng hơn phạt tiền” là ý kiến của bạn Tuấn Phạm và nhiều bạn đọc khác. Độc giả Thanh Bình chỉ rõ thêm: “Để làm được điều này cần chuẩn bị nhiều mặt: hành lang pháp lý, quy chế, lực lượng… nhưng là một hướng rất đáng suy nghĩ”.

CSGT TP Đà Nẵng lập biên bản vi phạm hành chính với người vi phạm luật giao thông. Ảnh: TẤN VIỆT

Phải bổ sung quy định trong luật

Theo luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, pháp luật hiện hành nói chung và Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng hiện đều không quy định hình thức xử phạt “lao động công ích” đối với người vi phạm.

Hiện tại đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần, ngoài phạt tiền luật có quy định rõ hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện… Muốn áp dụng phạt lao động công ích cũng phải bổ sung các quy định cụ thể vào trong luật mới có căn cứ thực thi.

Cũng theo luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, hình thức xử phạt lao động công ích nếu đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành thì không thể thực hiện vì chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, trước vấn nạn vi phạm, tai nạn giao thông gia tăng như hiện nay thì bổ sung hình thức xử phạt này là nên làm. Nhiều nước đã áp dụng và có hiệu quả rõ rệt.

Để có thể thực hiện được hình thức buộc lao động công ích đối với người vi phạm giao thông bắt buộc phải có lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 chứ chưa thể áp dụng tức thì.

Phải kết nối dữ liệu

Một cán bộ CSGT - Công an TP.HCM cho biết áp dụng phạt lao động công ích ở Việt Nam sẽ khó vì cơ sở dữ liệu của CSGT không kết nối với nhau (ở TP.HCM thì chỉ có TP nắm, các tỉnh/thành khác thì không). Để kết nối lại phải có hạ tầng kỹ thuật và nhân lực trong khi chúng ta chưa đáp ứng.

Nhiều TP có lượng dân nhập cư lớn, thay đổi chỗ ở trọ liên tục, quản lý nhân khẩu rất phức tạp. Giả sử phạt một đối tượng đi lao động nhưng giấy phạt gửi tới đâu, ai quản lý việc họ lao động, lao động ở đâu…? Rất nhiều công đoạn hành chính liên quan.

Để nâng cao ý thức lưu thông một cách hữu hiệu là trừ điểm trên bằng lái, khi đến một mốc nào đó sẽ bị thu bằng, yêu cầu học luật lại hoặc hủy bằng lái. Như vậy tính răn đe sẽ cao và thuận tiện hơn nhiều.

Các hình thức phạt “linh hoạt” CSGT từng thử nghiệm

CSGT Đà Nẵng từng có những kiểu phạt rất sáng tạo như yêu cầu người vi phạm chép phạt 30 lần câu “Tôi hứa không đi ngược chiều nữa”, phạt đọc đúng 100 lần một câu luật thật trôi chảy, yêu cầu người vượt đèn đỏ đứng tại ngã tư quan sát nhiều lượt xe qua lại, xem ý thức chấp hành luật giao thông của người khác tốt như thế nào rồi mới cho đi.

Một nhóm CSGT Thái Nguyên mới đây đã yêu cầu người vi phạm cùng đứng ở ngã tư tham gia điều khiển giao thông, coi như một hình thức “ghi nhớ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm