Tăng gấp đôi mức phạt: Nạn nhân giao thông nói gì?

Theo Giám đốc Sở GTVT TP, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở TP.HCM thời gian gần đây có xu hướng tăng. Đó là cơ sở thực tế để đưa ra đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm trong nội đô.

Trên thực tế nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân chỉ từ một phút bất cẩn, bất chấp của người điều khiển phương tiện.

Đi bộ cũng chấn thương sọ não

Hôm đó, tôi đi bộ ra đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) đón xe buýt. Dù đường vắng, tôi vẫn đợi tín hiệu đèn mới dám sang đường. Nào ngờ, từ xa một thanh niên chạy xe máy màu trắng lao thẳng tới, hất tung tôi lên cao, đập đầu xuống đất.

Người gây tai nạn bỏ chạy còn tôi hơn một tháng sau đó phải vật vã với những cơn đau khủng khiếp trong bệnh viện vì chấn thương sọ não. Tôi không thể ngồi, càng không thể đi, cả ngày chỉ nằm một chỗ chịu đựng, tiền bạc đã không có, qua một cơn giông trong người không còn gì ngoài đau đớn, sức khỏe tổn hại, di chứng không thể lường hết.

Cái thói coi thường luật lệ đã ăn sâu vào nhiều người và có ngày sẽ gây tai họa nặng nề, dai dẳng cho người khác hoặc chính họ. Có nếm trải những ngày tháng này của tôi mới hiểu mức phạt cho người vượt đèn đỏ hôm ấy có tăng gấp 10 cũng chưa đáng tội.

PHẠM NGỌC (Quận Thủ Đức)

Xe chở cồng kềnh là nỗi ám ảnh đối với người dân khi lưu thông trên đường. Ảnh: HOÀNG GIANG

Gặp nạn vì công trình thi công ẩu

Hồi đầu năm, tôi lưu thông trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình). Đoạn đường lúc đó có nhiều công trình lớn đang thi công. Hôm ấy không biết một công trình ở đây đổ bê tông vào lúc nào mà sáng ra nước bê tông, cát, đá chảy ngập hết một mép đường. Do bất cẩn nên tôi vô tình cho xe chạy vào vũng nước đó, bánh xe trượt đi làm tôi té ngã. Mình mẩy trầy trụa rướm máu, dính đầy xi măng bùn đất. Đến giờ tôi vẫn rất sợ khi đi ngang qua mấy công trình như thế.

Tôi rất ủng hộ TP.HCM tăng mức phạt vi phạm giao thông gấp đôi. Chúng ta phải thừa nhận ý thức người dân chưa cao nên cần có chế tài thật mạnh. Vì sợ bị phạt nên họ sẽ cẩn thận hơn, từ đó mới vào nếp mà tuân thủ quy định được.

NGUYỄN HOÀNG THANH (Quận Gò Vấp)

Hai tháng băng bột vì xe lấn làn

Cách đây ba tháng, khi đi qua đường Gò Dầu (quận Tân Phú) tôi bất ngờ bị hai thanh niên đi xe máy vượt ẩu, lấn làn tông trực diện rồi bỏ chạy. Cú tông mạnh khiến tôi bị rạn xương cánh tay trái, phải băng bó, điều trị hơn hai tháng.

Hiện nay việc chạy ẩu, lấn làn rất phổ biến từ đường nhỏ đến đường lớn. Không chỉ xe máy mà cả những xe lớn như xe buýt, xe ben cũng vậy. Đến ngã tư thấy đèn vàng là ai cũng cố chạy nhanh hơn. Chưa kể những thanh niên mới lớn háo thắng, rồi người uống bia rượu say xỉn chạy xe càng mất kiểm soát.

Tôi cho rằng những khẩu hiệu như “nhanh một giây, chậm cả đời” không có tác dụng với họ. Những người này cần phải phạt nặng, một lần phạt bằng cả trăm bữa nhậu thì mới nhớ đời được. Ngoài ra còn có thể áp dụng buộc lao động công ích, đây là biện pháp rất hữu hiệu ở nước ngoài.

Anh ĐÌNH NGỌC (Quận 5)

Xe chở cồng kềnh là nỗi ám ảnh

TP.HCM tăng mức phạt vi phạm giao thông là rất cần thiết bởi ai cũng nhận ra xe cộ ngày càng dày đặc, trật tự lưu thông thì quá hỗn loạn, cẩn thận mấy vẫn “dính đòn” như thường. Một điều đáng sợ nữa là rất nhiều xe chở hàng cồng kềnh mà vẫn phóng như bay, không cần biết xung quanh có ai.

Một lần, tôi đi xe máy đến ngã tư Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Kiệm. Khi gần qua giao lộ tôi chạy chậm nhưng lại bị xe của một một thanh niên chở cả núi bánh kẹo lổn nhổn phía sau móc vào tay lái. Anh ta chạy quá nhanh nên tôi và chiếc xe bị kéo đi cả một đoạn dài trên mặt đất. Đến khi hai xe tuột khỏi nhau, tôi ngã sõng soài giữa ngã tư. Hậu quả vụ tai nạn tôi bị gãy xương vai, phải điều trị hơn một tháng.

Còn rất nhiều hình ảnh mất trật tự khác trong giao thông ở TP có tiếng là văn minh này. Để giảm thiểu tình trạng đó, tôi cho là đánh vào túi tiền là biện pháp thực tế nhất.

PHẠM THỊ TUYÊN (Quận Phú Nhuận)

Tháng 11, TP có 65 người chết vì TNGT

Theo báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tháng 11-2017 trên địa bàn TP, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện 13.756 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ - đường sắt. Từ đó, thực hiện quyết định xử phạt 12.272 trường hợp với tổng số tiền nộp là gần 9.4 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe 2.545 trường hợp, tạm giữ 1.601 xe vi phạm các loại.

Về TNGT, toàn TP.HCM đã xảy ra 410 vụ TNGT (bao gồm va chạm giao thông) làm chết 65 người, bị thương 286 người so với cùng kỳ năm ngoái là đã tăng 22 vụ TNGT.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn phần lớn là do người lái không chú ý quan sát; đi không đúng phần đường; tránh, vượt không đúng quy định; lưu thông đường cấm, đường ngược chiều… Đặc biệt dẫn đầu danh sách tuyến đường thường xảy ra TNGT là thuộc các tuyến nội thành với 38/82 vụ, làm 25 người chết, 19 người bị thương (dẫn đầu cả nước về số người chết và bị thương).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm