Sở GTVT TP.HCM vừa trình lên HĐND TP đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông ở nội thành lên gấp đôi. Liệu hình thức tăng nặng mức phạt này có thực sự là giải pháp tốt trong mục tiêu gìn giữ kỷ cương, trật tự an toàn giao thông cho TP hay không, đây là vấn đề được nhiều người dân quan tâm, góp ý kiến.
Phạt sao cho hiệu quả chứ không cần tăng
Không nên tăng mức xử phạt vi phạm giao thông vì mức phạt như hiện nay không thấp, đủ để người bị phạt có ý thức vướng một lần là nhớ mãi. Tuy nhiên, với người không có ý thức thì phạt cao hay thấp họ cũng vẫn sẽ vi phạm. Nếu tăng mức phạt sẽ kéo theo những dịch vụ vận tải liên quan tăng giá theo. Như vậy người chịu hậu quả vẫn là người dân.
Hơn nữa, hiện nay người dân không còn lạ với việc một số CSGT bắt người vi phạm nhưng không lập biên bản, tiền thu từ xử phạt không được minh bạch. Do đó, nếu muốn tăng mức phạt thì trước hết TP phải xóa được mãi lộ, đầu tư đường sá, cầu cống tốt hơn. Có như vậy dân mới tin rằng mình đang sống ở một nơi văn minh, hiện đại, khi vi phạm mà bị xử nặng thì mới tâm phục.
NGUYỄN THỊ HỒNG LẠC, kế toán
Một trong những cách hữu hiệu
Tôi cho rằng xử phạt nặng là cần thiết. TP quá đông, quá nhiều thành phần dân cư nên trình độ, ý thức không thể đồng đều, chỉ có chế tài nghiêm khắc mới có thể quản lý được. Nhìn giao thông TP hiện nay rồi so với TP nhỏ ở quê tôi mới thấy rõ đông quá tắc loạn.
Đánh vào túi tiền luôn là giải pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, để đề xuất này thực sự hiệu quả thì phải siết chặt ở lực lượng xử phạt, làm sao để sai là phạt và tiền phạt về đúng ngân sách. Nếu mức phạt tăng gấp 10 nhưng khâu xử phạt không nghiêm, trở thành cái cớ tốt hơn để lực lượng bắt phạt “ra giá” còn người vi phạm không còn cách nào khác là thương lượng để thoát thân thì coi như mục tiêu phá sản.
NGUYỄN THÀNH SỸ, quân nhân
CSGT đang lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm giao thông tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Phạt cao tài xế sẽ khổ
Tôi là tài xế xe buýt, việc lái xe trên đường phố là công việc hằng ngày. Ở TP.HCM mật độ giao thông rất cao, kẹt xe, trễ chuyến…, chưa kể người chạy xe máy rất hay lấn tuyến, cứ trước mũi ô tô mà đi. Làm tài xế rất nhiều áp lực, sơ ý một chút là phạm lỗi ngay.
Chọn nghề này chúng tôi chẳng ai muốn vi phạm giao thông nhưng có lúc tình thế bắt buộc phải chạy không đúng. Việc tăng mức phạt sẽ gây nhiều hệ lụy nên theo tôi cách tốt hơn là phân luồng giao thông hợp lý, xây cầu đường đảm bảo nhu cầu, phát triển giao thông công cộng, bớt xe cá nhân thì sẽ bớt hỗn loạn.
LÊ MINH CHÍ, tài xế xe buýt
Tổ chức xử phạt mới quan trọng
Chuyện phạt cao không quan trọng bằng phạt đúng, nghĩa là người vi phạm chắc chắn phải bị phạt và tiền nộp phạt về đúng kho bạc. Hiện nay đi đường thấy nhan nhản người chạy xe máy không đội nón bảo hiểm, lấn tuyến, leo lề, vượt đèn đỏ… nhưng lực lượng chức năng ở đâu?
Các chốt chặn vi phạm giao thông chủ yếu là cố định để “canh bắt” vài lỗi nhỏ, trong khi để phát hiện vi phạm giao thông phải tuần tra, di chuyển. Với lực lượng CSGT hiện nay điều này khó thực hiện, hơn nữa dùng sức người hiệu quả chắc chắn không cao. Biện pháp đưa camera thay CSGT bắt vi phạm là cách làm rất hay. Tuy nhiên, hay hơn nữa là phải thay đổi luật xử phạt nguội làm sao để người vi phạm bắt buộc phải đi đóng phạt chứ không phải chây ì như hiện nay.
PHẠM HUY HOÀNG, công chức
TP.HCM được phép tăng mức phạt vi phạm giao thông Theo quy định tại Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội. Như vậy TP.HCM có quyền tăng mức xử phạt như đề xuất của Sở GTVT căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, mức xử phạt cao hơn quy định phải được HĐND TP quyết định. Việc tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường bộ (nếu có) được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chứ không phải trong cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ, Đoàn Luật sư TP.HCM |