Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông trong nội đô đối với một số nhóm hành vi được đánh giá là đưa ra đúng thời điểm, đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Ý kiến của các chuyên gia và lực lượng chuyên trách, đảm nhận trách nhiệm giữ gìn trật tự, an toàn giao thông nói chung sẽ làm rõ hơn tính được-mất của chủ trương này.
Đánh về kinh tế để răn đe
Quận 1 là quận trung tâm nhưng tình trạng nhức nhối nhất là việc đậu đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường, dẫn đến ùn ứ giao thông. Mức phạt cho hành vi này chỉ 350.000-700.000 đồng, không đủ răn đe, nhất là với nhiều người có điều kiện kinh tế tốt.
Khi nghiên cứu nhiều giải pháp, chúng tôi cho rằng nên đánh về kinh tế. Tăng mức phạt là để tăng tính răn đe, với mức phạt tăng gấp đôi thì mỗi lần vi phạm họ phải suy nghĩ.
Một đại diện Công an quận 1
Phạt nhẹ vấn nạn vẫn còn
Hiện nay, nhiều lỗi vi phạm trong nội đô là biết sai vẫn cố ý phạm, đơn cử như đậu xe trên tuyến đường có biển cấm dừng, đỗ rõ ràng. Lực lượng trật tự đô thị không có chức năng xử phạt mà phải phối hợp cùng lãnh đạo UBND phường/quận hoặc lực lượng CSGT, công an phường. Nhiều lần tuần tra nhìn thấy vấn nạn như vậy chỉ có thể nhắc nhở. Trong khi đó, người vi phạm có đủ thứ lý lẽ để biện bạch, mức phạt (nếu có) thì cũng chỉ như tượng trưng nên vấn nạn vẫn còn mãi.
Theo tôi, việc tăng mức phạt sẽ phần nào giảm được vi phạm vì lâu dần, người vi phạm sẽ nhận thấy đó là cả một khoản cần suy nghĩ.
Một cán bộ Đội Trật tự đô thị quận 1
Việc tăng mức phạt sẽ phần nào giảm được vi phạm. Ảnh: HTD
Cảnh sát nghiêm, dân sẽ khác
Đề xuất tăng mức phạt lên để nâng cao ý thức khi lưu thông của người dân, đó là mục đích rất tốt nhưng để áp dụng chủ trương này cần xem xét nhiều khía cạnh.
Rõ ràng các mức phạt đang áp dụng chưa hiệu quả, lực lượng thực thi là CSGT ở TP.HCM thì lại không đủ. Cách xác nhận vi phạm còn quá thủ công, chúng ta chưa phổ biến hình thức phạt nguội, gắn camera nhận dạng cả người lẫn xe như trên thế giới.
Điều cần bây giờ là đổi mới cách xử phạt, áp dụng công nghệ hình ảnh ghi nhận vi phạm, không xử phạt thủ công để tránh tiêu cực. Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra, nhắc nhở để nâng cao ý thức phải được thực hiện nghiêm. Chúng ta đòi hỏi người dân có ý thức nhưng vẫn còn hối lộ, tiêu cực thì không được. Nâng cao ý thức phải bằng hành động cụ thể, lực lượng chức năng phải làm gương, thấy cảnh sát nghiêm, chắc chắn dân sẽ có thái độ khác.
TS-chuyên gia giao thông PHẠM SANH
Chấn chỉnh cả đôi bên
Cơ sở hạ tầng ở TP.HCM còn hạn chế, xe cộ lưu thông rất khó khăn, nhiều người không bình tĩnh nên lấn làn, chạy ẩu tràn lan. Việc bất cần, bất tuân quy định sẽ gây họa cho người khác, phải có giải pháp kiên quyết là hợp lý.
Tuy nhiên, ở nước ngoài, dù là phạt nặng nhưng người CSGT rất vững nghề, họ biết trường hợp nào nên phạt thật nặng theo đúng quy định, trường hợp nào cần thông cảm, nhắc nhở. Họ phân biệt rất tinh tế, khuyến khích những người lưu thông lịch sự, răn đe những người cố ý coi thường kỷ cương. Hệ thống camera xuyên suốt cũng là trợ thủ đắc lực cho CSGT.
Để thực thi quy định phạt nặng thì phải phạt đúng trọng điểm, CSGT nghiêm minh, trong sạch sẽ tác động đến ý thức người dân. Phải làm sao để quy định luôn có tác động xây dựng, chấn chỉnh, hoàn thiện với cả đôi bên.
Đại biểu HĐND TP.HCM TRẦN QUANG THẮNG
Công cụ thu phạt hữu hiệu Ở Pháp, việc thu phạt vi phạm giao thông được kết nối chặt chẽ với từng cá nhân qua tài khoản ngân hàng của họ. Do đó, không thể có việc trốn đóng phạt bởi hệ thống sẽ tự động trừ tiền phạt trong tài khoản ngay khi có thông báo từ cơ quan chức năng. Ngoài ra, một công dân Pháp trong đời sẽ được “cấp” 12 điểm, tạm gọi là điểm uy tín khi lưu thông. Mỗi lần vi phạm sẽ có quy định trừ điểm cụ thể và điểm trừ sẽ hạn chế rất nhiều quyền lợi như quyền chọn loại xe nào, không được đi loại xe nào của người đó… Do vậy, để bảo toàn quyền lợi cả đời, họ buộc phải tự giác tuân thủ tuyệt đối luật giao thông. Trên hết, ý thức trật tự, kỷ luật, tôn trọng người khác đã được giáo dục từ nhỏ cho mỗi con người ở đây. Bạn đọc HỒNG THU Hình thức phạt kèm theo Ở Mỹ, hệ thống camera rộng khắp, chỉ cần có vi phạm là lập tức bị “điểm mặt”. Bằng lái xe là loại giấy tờ cực kỳ quan trọng, có thể dùng để thực hiện rất nhiều giao dịch và cũng từ đó luôn truy ra được người vi phạm để xử phạt. Tiền phạt giao thông rất cao nhưng cái đáng ngại hơn chính là những phiền toái đi kèm cho người vi phạm và một số hình thức phạt bổ sung, trong đó có lao động công ích. Xấu hổ, mất thời gian, cực nhọc, ảnh hưởng cuộc sống… là điều họ phải chịu đựng mà không thể trốn tránh bằng bất cứ cách nào. Bạn đọc MINH SƠN P.DUNG ghi |