‘Tài sản còn đấy, có mất đi đâu’ (?!)

Ông Lê Công Thành (ngoài 90 tuổi, ngụ Thủ Đức, TP.HCM) đã gửi đơn yêu cầu thi hành án (THA) hơn 10 năm qua. Dù người phải THA có điều kiện THA nhưng cơ quan THA viện đủ lý do để không thi hành bản án.

10 năm, THA vẫn giẫm chân tại chỗ

Ông Thành kể năm 1999, ông và bà Lê Thị Hương được tòa giải quyết cho ly hôn. Sau đó, Chi cục THADS quận Bình Thạnh đã phát mại căn nhà chung của cả hai trên đường Điện Biên Phủ được hơn 25,7 tỉ đồng, ông và bà Hương mỗi người được hưởng 1/2 giá trị, tương đương hơn 12,8 tỉ đồng. Nhưng không hiểu sao khi THA, Chi cục THADS quận Bình Thạnh đã chi cho bà Hương được hưởng hơn 13,8 tỉ đồng (lố hơn 940 triệu đồng sang phần ông Thành). Tháng 4-2005, xử phúc thẩm vụ chia tài sản chung, TAND TP.HCM đã tuyên buộc bà Hương phải trả cho ông Thành hơn 940 triệu đồng này.

Do phát hiện bà Hương có tài sản chung với ông Nguyễn Văn Thoại (ở Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương) nên tháng 3-2006, Chi cục THADS quận Bình Thạnh ra quyết định ủy thác về Chi cục THADS huyện Thuận An (nay là thị xã Thuận An) để thi hành bản án nói trên.

Tháng 11-2007, THA huyện Thuận An xin ý kiến chỉ đạo của Cục THADS tỉnh Bình Dương. Lý do: Tháng 2-2007, bà Hương (đồng sở hữu khối tài sản chung với ông Thoại) chết nhưng không chuyển nghĩa vụ cho ai. Ông Thoại hiện đã già (sinh năm 1926), không còn minh mẫn, không ý thức, nhận thức tiếp thu được việc chấp hành viên và đại diện chính quyền địa phương giải thích pháp luật về nghĩa vụ phải THA đối với bà Hương. Đồng thời, cơ quan THA huyện Thuận An cũng chưa tìm được người thân hoặc người đại diện hợp pháp cho ông Thoại.

Năm 2008, Cục THADS tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn: “Yêu cầu THA huyện Thuận An xác minh làm rõ hàng thừa kế của bà Lê Thị Hương, cử ra người đại diện. Còn việc nói ông Thoại không minh mẫn là suy diễn. THA huyện Thuận An nên hướng dẫn các con riêng của ông Thoại khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên mất năng lực hành vi dân sự”.

Tháng 11-2015, Cục THADS tỉnh Bình Dương đề nghị chi cục trưởng Chi cục THADS thị xã Thuận An sao gửi toàn bộ hồ sơ THA báo cáo quá trình giải quyết vụ việc.

“Vậy là sau 10 năm chờ đợi, bây giờ tôi lại phải tiếp tục chờ bởi sự tắc trách của cơ quan THA” - ông Thành bức xúc.


Sau 10 năm chờ đợi, ông Lê Công Thành (90 tuổi) còn phải đợi đến bao lâu nữa mới được thi hành án? Ảnh: N.NGA

Những lý do không thỏa đáng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chấp hành viên Nguyễn Thị Thu Duyên (Chi cục THADS thị xã Thuận An) cho biết: “Trước đó chấp hành viên LTA thụ lý nhưng giờ người này về THA Thủ Dầu Một rồi. Đến cuối năm 2013 tôi mới tiếp nhận hồ sơ”.

Theo bà Duyên, năm 2006 bà Hương có đến cơ quan THA nhưng bà không chịu ký tên. “Lúc bấy giờ ông Thoại không minh mẫn nên chúng tôi không làm việc được, các con ông ấy không đồng ý cho đi giám định mất năng lực hành vi dân sự. Chúng tôi yêu cầu họ khởi kiện nhưng họ cũng không làm. Năm 2007, bà Hương chết. Năm 2008, em trai ông Thoại (ở chung nhà với ông Thoại) lên THA nói do ông Thoại tuổi cao, đi lại khó khăn nên ông thay mặt ông Thoại đồng ý cho THA kê biên tài sản. Đây chỉ là ý kiến tham khảo vì chưa có giấy ủy quyền của ông Thoại. Đến năm 2012 thì ông Thoại cũng qua đời” - bà Duyên cho hay.

Khi PV hỏi có căn cứ nào cho thấy ông Thoại không còn minh mẫn thì chấp hành viên Duyên không cung cấp được và hứa: “Tới đây chúng tôi sẽ đi kê biên tài sản và sẽ cố gắng làm trong thời gian sớm nhất. Tài sản đâu vẫn còn đấy chứ mất đi đâu”.

THA có quyền kê biên, bán đấu giá để THA

Cơ quan THA đã xác minh bà Hương có tài sản chung với ông Thoại thì chấp hành viên phải tiến hành kê biên. Theo Điều 74, Điều 75 Luật THA, trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THA với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được THA hoặc chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung để bảo đảm THA.

Trong vụ này, THA thị xã Thuận An không tiến hành kê biên là không đảm bảo quyền lợi của người được THA. Còn căn cứ vào lý do ông Thoại không còn minh mẫn để không kê biên là không thỏa đáng. Luật không hề nói những người có tài sản chung bị hạn chế về năng lực nhận thức thì không được kê biên.

Sau khi THA áp dụng Điều 74, Điều 75 Luật THA mà những người thừa kế không làm động thái gì thì cơ quan THA có quyền bán đấu giá căn nhà trên. Một nửa giao cho ông Thoại, nửa còn lại dùng để trả nợ thay cho bà Hương, nếu số tiền còn dư THA sẽ đem gửi ngân hàng. Lúc này các đồng thừa thế của bà Hương tự thỏa thuận với nhau để chia số tiền dư, nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm