Trì hoãn tăng lương sẽ phải đóng phạt

Từ sau kỳ nghỉ tết, tại TP.HCM, Đồng Nai liên tiếp xảy ra các vụ tranh chấp lao động kéo dài, chủ yếu liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1-1-2016. Mặt khác, còn do cách điều chỉnh phụ cấp, phúc lợi của doanh nghiệp (DN) chưa đầy đủ.

. Phóng viên: Thứ trưởng có đánh giá gì về các vụ tranh chấp lao động nói trên?

+ Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Các vụ tranh chấp gần đây liên quan đến tiền lương, phúc lợi, phụ cấp… Điều đó cho thấy các DN chưa làm tốt việc thỏa thuận, đối thoại với người lao động. Chẳng hạn việc điều chỉnh chế độ công việc của Công ty Pouchen Việt Nam (Đồng Nai) do chưa lấy ý kiến người lao động mà đã áp dụng nên khiến hàng chục ngàn công nhân phản ứng nhiều ngày.

. Việc kiểm tra, giám sát quá trình điều chỉnh lương được thực hiện ra sao?

+ Công đoàn có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, bởi vậy công đoàn phải phát huy vai trò của người bảo vệ bằng cách tham gia, đối thoại, góp ý khi DN xây dựng quy chế lương, phụ cấp, phúc lợi, không thiên lệch về phía DN.

Đồng thời công đoàn cũng giám sát DN có thực hiện đầy đủ chế độ hay không, giám sát việc nâng bậc nghề để người lao động được thụ hưởng đầy đủ sức lao động bỏ ra. Đã đến lúc công đoàn cùng DN xem việc đối thoại, thương lượng tiến tới xây dựng quy chế tiền lương như văn hóa.

Không đồng ý việc nhập nhằng giữa phụ cấp và tiền lương, 4.000 công nhân Công ty TNHH Nissey Việt Nam đã ngừng việc tám ngày. Ảnh: P.ĐIỀN

Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của DN như khu vực hành chính mà đưa ra khung lương, phụ cấp chung để người sử dụng lao động và người lao động thông qua công đoàn đối thoại, thương lượng, xây dựng quy chế lương, phụ cấp, phúc lợi tại DN.

. Với các đơn vị trì hoãn việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng có xử lý được không, người lao động có truy lãnh được không?

+ Nghị định 95/2013/NĐ có chế tài rất rõ các hành vi vi phạm quy định về tiền lương như không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng theo quy định pháp luật...; phạt tiền người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn. DN buộc phải trả đủ tiền lương, đồng thời trả lãi đối với số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vi phạm.

Tuy nhiên, tại các đô thị lớn số lượng DN quá lớn, ngược lại lực lượng thanh tra quá mỏng khiến làm không xuể khâu thanh tra phát hiện sai phạm để nhắc nhở, xử phạt. Bộ đã nhận thấy những hạn chế này và đang có kế hoạch tăng cường lực lượng thanh tra, xử lý nghiêm các vụ sai phạm tại các DN để răn đe và yêu cầu DN thực hiện bài bản.

. Xin cám ơn ông.

Chế tài vi phạm về tiền lương

Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng theo quy định pháp luật; không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng… phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.

Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của BLLĐ; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động mức phạt cao nhất 50-75 triệu đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

(Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm