Vì sao ngân hàng quyết giữ Giấy đăng ký xe trả góp?

Nhiều người dân mua xe theo dạng trả góp, cho biết khi thực hiện giao dịch, họ chỉ được cầm giấy đăng ký xe bản phôtô công chứng, còn bản gốc thì phía tổ chức tín dụng giữ. Điều này dẫn tới hệ quả chủ phương tiện có thể bị CSGT xử phạt bất cứ lúc nào, bởi họ không có bản gốc giấy tờ xe trong tay.

Thực hư vấn đề này ra sao?

Theo tìm hiểu, ngày 24-5-2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời gian hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo quy định tại Nghị định 11/2012 của Chính phủ. Đồng thời văn bản này cũng được gửi cho Bộ Công an.

Ngày 31-5-2017, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã có công văn gửi công an các tỉnh nêu rõ đối với những phương tiện thế chấp tại ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính Giấy đăng ký xe trong thời hạn thực hiện hợp đồng thế chấp tại Nghị định 11/2012.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tiếp tục hướng dẫn nhân viên tín dụng làm việc với khách hàng để giữ bản gốc giấy chứng nhận đăng kí xe.

Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng đóng ở Hà Nội chia sẻ, lâu nay các ngân hàng thương mại vẫn áp dụng cách giữ lại bản gốc các giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo khi thực hiện các hợp đồng tín dụng thế chấp: hợp đồng mua bán nhà; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy đăng ký ô tô, xe máy.

Việc giữ các giấy tờ này nhằm đảm bảo quá trình thực hiện hợp đồng cho vay chặt chẽ, tránh trường hợp người vay sử dụng giấy tờ đó để mua bán tài sản thế chấp ở ngân hàng. Khi cho vay, bản thân ngân hàng chỉ có mỗi giấy tờ đó để quản lý tài sản thế chấp. Khi giữ các giấy tờ đó, phía ngân hàng đều có giấy xác nhận để người vay sử dụng khi cần.

Người vay trả góp đang lo lắng về việc không có bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký xe khi CSGT yêu cầu.

Các NHTM cho rằng, việc nhận thế chấp phương tiện ô tô, xe máy được thực hiện theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng thế chấp. Khách hàng và ngân hàng đã thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ bản gốc Giấy đăng ký xe, khách hàng được phép sử dụng xe để lưu thông kèm theo giấy chứng nhận do NHTM cấp.

Các NHTM cũng viện dẫn Điều 323, Bộ Luật Dân sự 2015 khẳng định quyền của bên nhận thế chấp là "Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp hai bên có thỏa thuận, trường hợp có quy định khác”. Theo đó trong trường hợp Luật có quy định khác thì việc thỏa thuận đó của các bên phải tuân thủ theo Luật chứ không tuân theo quy định khác của Nghị định.

Theo một lãnh đạo NHTM, căn cứ theo Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Theo quy định, Luật sẽ có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định. Do đó các NHMT sẽ căn cứ vào Bộ Luật Dân sự 2015 để áp dụng.

Những ngày qua,Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần liên hệ với bộ phận có thẩm quyền của NHNN để đưa ra các vấn đề mà người dân thắc mắc liên quan đến Giấy đăng ký xe. Tuy nhiên cho đến nay NHNN vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức để hướng dẫn giải quyết vấn đề này.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, vấn đề này hiểu theo nhiều cách, mỗi bên đều có những lý lẽ riêng của mình. Theo đó, về nguyên tắc, khi tài sản đã thế chấp thì tài sản đó thuộc quyền quản lý của NH, nghĩa là chiếc xe đó sẽ do NH giữ làm tài sản đảm bảo nhưng giữa NH và khách hàng thỏa thuận để người vay vẫn được sử dụng chiếc xe đó và phía NH chỉ giữ giấy đăng kí. Đó là thỏa thuận dân sự.

Tuy nhiên phía công an cũng viện những lý lẽ theo quy định chuyên ngành về giao thông đường bộ. Theo Luật Giao thông đường bộ, Bộ Luật Hình sự cũng như các văn bản liên quan, người tham gia giao thông phải có bản gốc giấy đăng kí xe khi công an yêu cầu. Điều này là phù hợp trong việc xác định nguồn gốc, nhất là khi có sự cố tai nạn giao thông xảy ra.

Từ đó, ông Hậu cho rằng, ở đây người vay phải có sự lựa chọn. Nếu khách hàng dùng chính chiếc xe mua trả góp để làm tài sản đảm bảo thì để NH giữ Giấy chứng nhận đăng ký và chấp nhận chịu nộp phạt khi CSGT kiểm tra. Nếu người vay muốn giữ bản gốc giấy đăng kí của chiếc xe trả góp thì có thể dùng giấy tờ, tài sản khác có giá trị thay thế để bên NH lưu giữ làm tài sản đảm bảo như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…