Không có nơi xả, chúng tôi phải mặc bỉm khi ra đường!

Mấy hôm nay, TP và cả nước bàn nhiều về chuyện xử phạt xả rác, tiểu bậy theo Nghị định 155/2016 vừa có hiệu lực nhưng ít ai để ý đến nhu cầu của NKT cần một nơi để tiểu cho đúng.

Ngày 15-2, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã có buổi họp cùng Ban quản lý Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM về cải tạo trạm dừng xe buýt Công viên 23-9. Kế hoạch này dựa theo ý tưởng đạt giải khuyến khích cuộc thi “Phá bỏ rào cản 2” của nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM do DRD phối hợp với ĐH Kiến trúc TP.HCM tổ chức vừa qua nhằm tìm kiếm những ý tưởng cải tạo các công trình công cộng để NKT dùng được.

Nhà vệ sinh ở trạm xe buýt Công viên 23-9 có cửa quá nhỏ, xe lăn không thể vào được. Ảnh: KP

Bà Liêu Thị Ngọc Hiếu (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật DRD) bản thân cũng là NKT vận động, phải di chuyển bằng xe lăn. Bà góp ý nhà vệ sinh ở trạm xe buýt Công viên 23-9 có cửa quá nhỏ, xe lăn không thể vào được. Ngoài ra, bồn cầu được thiết kế ngồi xổm nên người đi xe lăn hoặc chống nạng không thể sử dụng được. Bà cho rằng nếu trạm xe buýt bố trí bồn cầu ngồi, có thanh vịn để NKT bám vào đó đu người qua thì sẽ chu đáo hơn.

Trao đổi thêm, bà Hiếu cho rằng hầu hết nhà vệ sinh ở TP chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của NKT, kể cả nhà vệ sinh mới được xây sau này trong Công viên 23-9 rất đẹp nhưng cửa hẹp nên NKT không đi xe lăn vào được. Còn ở Khu du lịch Suối Tiên, năm nào cũng tổ chức các ngày hội lớn quy tụ hàng ngàn NKT, lối lên nhà vệ sinh có bậc cấp, xe lăn không lên được, mặc dù nhà vệ sinh có biểu tượng dành cho NKT nhưng xe lăn không vào lọt được. Bà phải canh giờ có nhu cầu là về nhà, không dám uống nước hoặc cố gắng nín. Số người khác bí bách quá thì đành tìm góc khuất để xử lý hoặc mặc bỉm, rất bất tiện.

Trong quá trình đi khảo sát nhà vệ sinh một số công viên, bà phát hiện một số công viên xây nhà vệ sinh riêng cho NKT nhưng tận dụng làm nhà kho với lý lẽ lâu lắm mới có một NKT đến dùng, hoặc khi xây dựng không khảo sát ý kiến của NKT nên không phù hợp. Dưới chỗ để rửa tay được tận dụng làm ngăn chứa đồ nên người đi xe lăn không tiến sát bồn rửa tay để xài được. Bà Hiếu chia sẻ rất ấn tượng với nhà vệ sinh của Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Tân Phú) khi thiết kế nhà vệ sinh riêng cho NKT có bàn cầu ngồi, thanh vịn ngang tầm với người ngồi xe lăn. Tinh tế hơn, họ còn thiết kế gương soi nghiêng chứ không áp sát vào tường để vừa tầm với NKT.

“Chúng tôi mong được phòng vệ sinh riêng cho NKT sử dụng thì lý tưởng quá, nhưng nếu không có kinh phí làm đúng chuẩn thì cho cánh cửa rộng rộng để xe lăn lọt vào là chúng tôi cũng vui lòng rồi. Nỗi ám ảnh của chúng tôi khi bước ra đường là không tìm thấy nơi để xả khi có nhu cầu” - bà Hiếu tâm tư.

Ghi nhận góp ý của bà Hiếu, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết trước đây nhà vệ sinh tại trạm xe buýt 23-9 cũng có bố trí bồn cầu ngồi nhưng qua thời gian, bồn cầu này nhanh chóng hư hại do ý thức kém của một số người sử dụng nên mới sửa chữa lại như hiện nay. Sắp tới trung tâm sẽ xem xét cải tạo nhà vệ sinh phục vụ tốt hơn cho NKT hoặc tính toán xây riêng khu vệ sinh mới cho NKT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm