Đó là thông tin mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu trong công văn hoả tốc gửi tới Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường vào chiều tối nay, 25-12, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013.
Theo HoREA, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Luật Đất đai đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung (trước hết là với Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu, Bộ Luật Dân sự) là một công tác cực kỳ quan trọng.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 lần này sẽ có tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm: Tăng cường và đảm bảo hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước; Sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững; Tạo lập quỹ đất sạch phục vụ đầu tư phát triển; Tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước; Xây dựng cơ chế, quy trình, thủ tục hành chính minh bạch, thông thoáng để nhà đầu tư, và người có nhu cầu sử dụng đất được tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, thuận tiện nhất, để cải thiện môi trường đầu tư của đất nước và từng địa phương.
"Bởi vì hiện nay, trở ngại trong tiếp cận đất đai là lực cản đầu tiên và lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đã làm cho môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, không bình đẳng, và đang là mảnh đất màu mỡ cho nhũng nhiễu, tiêu cực", HoREA nhấn mạnh.
Hiệp hội nhận thấy rất cần thiết và cấp bách phải sớm trình Quốc hội xem xét ban hành "Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai" trong giai đoạn hiện nay.
Hiệp hội đề nghị bổ sung "đất du lịch"; "đất đặc khu kinh tế" vào loại đất phi nông nghiệp. Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận đề án thành lập các "đặc khu kinh tế" với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, dự kiến có thể giao quyền sử dụng đất có thời hạn tối đa đến 99 năm. Chế định này chưa được quy định trong Luật Đất đai 2013. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều 151 Luật Đất đai 2013 về "đất đặc khu kinh tế" để điều chỉnh quy định sử dụng đất đối với đặc khu kinh tế để phù hợp với tình hình phát triển mới hiện nay.
Liên quan đến một số bất cập về tài chính đất đai và giá đất trong Luật Đất đai 2013, HoREA cho rằng tài chính đất đai là vấn đề rất lớn, rất quan trọng trong pháp luật đất đai, trong đó có vấn đề xác định giá đất. Nguồn thu từ đất là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng hiện nay, thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng nguồn thu từ đất đai.
Một số bất cập chủ yếu về tài chính đất đai và giá đất. Chẳng hạn như nguyên tắc giá đất "Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất" thì trên thực tế gần như không thể thực hiện được.
Do đó, theo HoREA để thị trường bất động sản thực sự vận hành theo cơ chế thị trường thì về dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế. Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.
HoREA cũng kiến nghị bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần" và giao thẩm quyền cho cấp tỉnh ban hành "Bảng giá đất và giá đất cụ thể" để phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.
Tuy nhiên, yêu cầu thay đổi ngay lập tức chính sách thu tiền sử dụng đất như hiện nay rất khó được chấp nhận, vì cần phải có thời gian để tạo sự đồng thuận.
Vấn đề cần giải quyết cấp bách là cải cách quy trình, thủ tục hành chính để việc xác định tiền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện minh bạch, nhanh chóng, hợp lý và loại trừ được các yếu tố phát sinh tiêu cực.