Bộ trưởng TN&MT: Chưa 'ghi tên cả gia đình lên giấy đỏ'

Tham dự cuộc họp báo có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai...

Về đề nghị tạm lùi thời gian thực hiện Thông tư số 33/2017 (do Bộ TN&MT ban hành) liên quan đến quy định ghi tên hộ gia đình vào giấy đỏ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: Bộ luật Dân sự không còn khái niệm hộ gia đình. Cùng với thời gian, cần phải quy định rõ hơn quyền hạn của từng cá nhân đối với đất đai và tài sản chung.

“Hiện nay tranh chấp về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất hết sức nhức nhối. Nhiều tranh chấp gia đình đã xảy ra, cũng như xử lý vấn đề nợ xấu của ngân hàng, tòa án không thể phát mại được” - bộ trưởng nói.

Trong quá trình triển khai Luật Đất đai, Bộ đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể quy định của Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự. Quá trình xây dựng thông tư, Bộ TN&MT xác định đây là vấn đề hết sức phức tạp. Vì ngay trong Bộ luật Dân sự không còn khái niệm hộ gia đình.

Cách làm của Bộ TN&MT là hết sức thận trọng. Quá trình xây dựng Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương có liên quan và thực hiện rất nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề này. Chúng tôi đã lấy ý kiến của các bộ quan trọng như Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước và 63 tỉnh, thành. Quá trình thực hiện thông tư diễn ra trong vòng hai năm, như ý kiến Bộ Tư pháp là quá chậm.

Khi xuất hiện dư luận quan ngại, lo lắng trong thời gian qua, Bộ TN&MT rút ra mấy việc:

- Thông tư 33 quy định thiếu rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau, hiểu không chính xác khái niệm “hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất được nêu trong Luật Đất đai và “hộ gia đình sử dụng đất” đồng nhất với khái niệm hộ gia đình trong sổ hộ khẩu như cách hiểu phổ biến trong xã hội hiện nay.

- Thực tế Thông tư 33 chỉ điều chỉnh một trong 16 trường hợp về hình thức sở hữu được ghi trên sổ đỏ. Ở đây chỉ là hướng dẫn về cách ghi mang tính kỹ thuật đối với trường hợp hộ gia đình sử dụng đất chung theo Luật Đất đai, cơ bản là giải quyết các trường hợp phát sinh, trước khi có Luật Đất đai 2013.

- Theo Luật Đất đai 2013, nếu cấp cho chủ thể hộ gia đình thì đã ghi đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình.

- Thông tư 33 không phải thay thế Thông tư 23, chỉ sửa đổi một điều của Thông tư 23, mà chủ thể là các hộ gia đình sử dụng đất.

- Thông tư 33 quy định đối với các trường hợp chuyển tiếp, trước khi có Luật Đất đai 2013 thì việc giải quyết hoàn toàn do các hộ gia đình tự nguyện. Thông tư 33 không nói rõ vấn đề này. Trong trường hợp phát sinh các vấn đề, sự kiện pháp lý... thì cơ quan nhà nước mới thực hiện khi hộ gia đình có yêu cầu.

“Thông tư này đã quy định không rõ ràng khiến nhiều người hiểu như vậy. Về tính pháp lý, việc ban hành Thông tư 33 hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và cần thiết, cấp bách với cuộc sống. Nhưng thông tư ban hành còn có cách hiểu khác nhau, chưa rõ ràng và trên thực tế, quy định của Luật Đất đai đã điều chỉnh về cơ bản việc cấp mới nên những vấn đề phát sinh đã có cơ chế hiện hành đang giải quyết được.

Ngay hôm nay, chúng tôi đã thống nhất với Bộ Tư pháp, mà đại diện là Cục Kiểm tra VBQPPL, đây là văn bản cần thiết nhưng khi còn có cách hiểu khác nhau, chưa đồng thuận... thì thông tư này chưa đạt yêu cầu. Các quy định khác của Thông tư 33 sau khi công bố dư luận hoàn toàn đồng tình, chưa có vấn đề gì. Chúng tôi sẽ lùi hiệu lực của khoản 5 Điều 6 của Thông tư 33 nhằm làm công tác truyền thông để người dân nhận thức được lợi ích mang lại cho người dân cũng như bảo đảm các cơ sở pháp lý khi phát sinh các sự kiện pháp lý đối với người dân... Khi mọi người đều có cách hiểu thống nhất, cũng như chúng tôi tiên liệu được các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thì chúng tôi sẽ ban hành một văn bản bao trùm lên cả Thông tư 23 và 33” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm