Vì vậy tại cuộc họp với Bộ TN&MT hôm 28-11, các chuyên gia của Bộ Tư pháp đều thống nhất khẳng định quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017 là có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, theo Cục Kiểm tra VBQPPL, quy định của Thông tư 33 có thể dẫn tới cách hiểu không chính xác, không đúng với Luật Đất đai là “hộ gia đình sử dụng đất” đồng nhất với “hộ gia đình” theo sổ hộ khẩu như cách gọi phổ thông trong xã hội hiện nay.
Cạnh đó, khi thực hiện quy định này sẽ phải xác định được đầy đủ, chính xác những người có chung QSDĐ, phần quyền của mỗi người trong hộ gia đình cũng như người/cơ quan có thẩm quyền xác định vấn đề này. Về nguyên tắc, việc xác định người có chung QSDĐ do cơ quan TN&MT thực hiện (trong trường hợp hồ sơ địa chính thể hiện rõ); trường hợp phát sinh tranh chấp thì tòa án sẽ thực hiện theo yêu cầu.
Từ phân tích trên, Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị, để triển khai hiệu quả quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 và Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, trong thời gian “chuyển tiếp” nên thực hiện song song hai phương thức:
- Việc cấp mới giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 và Thông tư 33/2017 sẽ ghi đầy đủ tên người có chung QSDĐ.
-Tiếp tục duy trì giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho hộ gia đình trước khi Luật Đất đai 2013 và Thông tư 33/2017 có hiệu lực.
Trường hợp có sự kiện pháp lý phát sinh thì kết hợp giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 và Thông tư 33/2017 (nếu xác định rõ người có chung QSDĐ) hoặc ghi như giấy chứng nhận QSDĐ đã được cấp như trước đây.
Theo đó, cần thực hiện rà soát những trường hợp hộ gia đình sử dụng đất trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, trên cơ sở đó phân loại và có hướng dẫn xử lý đối với từng nhóm trường hợp cụ thể.
Cũng theo Cục Kiểm tra VBQPPL, quy định thửa đất có nhiều người chung QSDĐ, thì giấy chứng nhận QSDĐ phải ghi đầy đủ tên của những người có chung QSDĐ tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai là quy định đúng đắn, tiến bộ, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung QSDĐ, trong đó có các thành viên hộ gia đình sử dụng đất; đồng thời hạn chế vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong các giao dịch về QSDĐ.
Dù vậy, việc thi hành Luật Đất đai 2013 đã cho thấy việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhất là giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình sử dụng đất, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.
“Bộ TN&MT cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, kể cả sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục những vướng mắc, bất cập này” - Cục Kiểm tra văn bản nêu quan điểm.
Được biết trong chiều nay (1-12), Bộ TN&MT sẽ có phản hồi về đề xuất nêu trên của Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp).
Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017 (có hiệu lực từ ngày 5-12 tới) quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông (hoặc “Hộ gia đình gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại điểm a khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có QSDĐ chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung QSDĐ của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”. |