Mù mắt, chấn thương vì bắn súng sơn

Hiện nay nhiều điểm dịch vụ kinh doanh trò chơi này có cho thuê súng, quần áo bảo hộ, dụng cụ phụ trợ khác và cả trận địa. Mặc dù các đơn vị tổ chức có những quy định nghiêm ngặt đối với người chơi nhưng vẫn xảy ra những tai nạn rủi ro đáng tiếc.

Dù có trang phục bảo hiểm, có luật chơi, có trọng tài, tai nạn vẫn xảy ra.

Giật mình vì đau

Thông thường mỗi nhóm chơi độ 10-20 người, chia làm hai đội. Người chơi sẽ bị loại nếu bị bắn một viên đạn vào đầu hoặc bị bắn hai “phát” từ thắt lưng trở lên. Có nhiều trận địa giả được dàn dựng mô hình núi rừng, vùng đồng bằng, khu thành thị, kho xăng dầu... có cách bố trí hầm hố, bao cát, lô cốt, cầu vượt. Người chơi được trang bị quân phục, áo giáp, nón, mặt nạ bảo hộ, súng bắn đạn sơn... Đạn hình tròn, vỏ bằng nhựa, đường kính độ 1 cm, bên trong chứa nước sơn đủ màu. Bắn trúng mục tiêu đạn sẽ bể, để lại vết sơn làm chứng cứ.

Ông Trần Hữu Hoàng, quản lý Trung tâm bắn súng sơn Sài Gòn (Tân Bình, TP.HCM), cho biết viên đạn được bắn bằng súng hơi với tốc độ 80-100 m/giây, dễ dẫn đến chấn thương nếu ở cự ly gần. Do đó, quy định bắt buộc chỉ được phép bắn đối phương ở cự ly trên 5 m. Quả thật, trong lần tham gia trò chơi, chúng tôi thử bắn ở cự ly 4 m vào chân và đã giật mình vì khá đau.

Mù mắt, chấn thương vì bắn súng sơn ảnh 1

Đạn sơn và mặt nạ bảo hộ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Các quy định về an toàn khi chơi bắn súng sơn:

- Người chơi phải từ 15 tuổi trở lên.

- Khi vào sân phải mặc các loại quần áo dài và dày như jean, kaki… Được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ an toàn như nón bảo hộ, áo giáp, mặt nạ, giày… đúng quy định.

- Trong suốt quá trình chơi, người chơi tuyệt đối không được tháo mặt nạ bảo hộ khi đang ở trong sân. Ban tổ chức sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu người chơi bị bắn vào mặt do không đeo mặt nạ bảo hộ.

- Luôn để súng ở chế độ khóa nòng và hướng nòng súng lên khi bước vào khu vực có khán giả.

- Không được bắn đối phương trong khoảng cách 5 m…

Ông Lê Hải Vũ, quản lý dịch vụ giải trí bắn súng hơi thuộc Công ty MTV The BCR (quận 9, TP.HCM), trong quá trình chơi, các thành viên phải tuyệt đối thực hiện những mệnh lệnh và hướng dẫn của trọng tài để đảm bảo an toàn. “Nếu người chơi làm những điều trái với quy định, tự ý tháo bỏ dụng cụ bảo hộ, nhất là mặt nạ thì hoàn toàn chịu trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra. Trọng tài cũng kiên quyết ngừng cuộc chơi đối với người làm sai hiệu lệnh” - ông Vũ nói.

Trong trường hợp súng hư, hết đạn, kính mặt nạ mờ... thì người chơi giơ cao hai tay ra hiệu, trình bày với trọng tài để được hướng dẫn.

Trầy mặt, chảy máu, vào bệnh viện

Cho dù các nơi tổ chức bắn súng sơn có những quy định nghiêm ngặt và giám sát chặt chẽ nhưng vẫn xảy ra những tai nạn rủi ro đáng tiếc.

OBH 29 tuổi, ở TP.HCM, nạn nhân của vụ chơi súng sơn là trường hợp tiêu biểu. Tham gia “trận đánh” được một lúc, kính bảo hộ bị mờ, anh H. vừa tháo kính chùi thì bị một viên đạn sơn bắn trúng làm đứt phần sụn kết mạc của mí trên mắt phải. BS Vũ Anh Lê, Trưởng khoa Chấn thương BV Mắt TP.HCM, cho biết mặc dù được điều trị cật lực nhưng mắt phải của anh vẫn bị tổn thương đến 99% không thể phục hồi.

Một trường hợp khác, anh NTN (22 tuổi, ở Ninh Thuận) bị đạn sơn văng trúng mắt trái gây xuất huyết tiền phòng, phù giác mạc, dập giác mạc, đứt chân mống mắt, gãy bờ dưới và hốc mắt trái. BS Lê cho biết mắt trái anh N. bị hư hoàn toàn. Theo BS Lê, mắt bị tổn thương không chỉ do tác động lực của viên đạn bắn ra, mà các chất có trong đạn sơn như glycol, thuốc nhuộm… cũng có thể gây nhiễm trùng, bỏng... nếu văng vào mắt.

Ngoài ra do trận địa lồi lõm, bố trí nhiều chướng ngại vật nên đã xảy ra những tai nạn khác. Ngày 4-3, chúng tôi trực tiếp ghi nhận một người chơi té ngã, chấn thương tay trái trong lúc chơi đánh trận giả tại Công ty BCR. Do không thể sơ cứu tại chỗ nên công ty đưa ông này đến bệnh viện. “Đây là trường hợp chấn thương tay đầu tiên xảy ra tại đây” - ông Đỗ Việt Dân, Giám đốc Công ty BCR, cho biết. Theo ông Dân, cũng đã xảy ra trường hợp người chơi đánh trận giả bị té trầy mặt, chảy máu phải đến bệnh viện khâu lại.

Ngoài ra, tình trạng người chơi bị say nắng, say nóng xảy ra khá nhiều. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho rằng say nắng, say nóng là do tác động trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, bị ảnh hưởng của tia tử ngoại chiếu lên da. “Người say nắng có biểu hiện nhức đầu, bứt rứt, ra mồ hôi, mặt đỏ, lừ đừ, khó thở, có khi nôn mửa, người. Nếu không sơ cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 39-40°C, mạch nhanh, mặt tái nhợt. Trường hợp nặng sẽ co giật và hôn mê” - TS Phú lưu ý.

Tiêu điểm

Dù là đánh trận giả nhưng mục đích tìm đối phương để tiêu diệt thì trò chơi vẫn mang tính bạo lực, dễ kích thích người chơi hăng tính, nảy sinh những suy nghĩ và động cơ bạo lực trong cuộc sống.

Theo quy định, 15 tuổi trở lên được phép tham gia đánh trận giả. Tuy nhiên, 16, 17 là tuổi hay thích thử nghiệm, tò mò khám phá điều mới lạ, nhất là những gì bị cấm đoán. Nếu khả năng tự chủ bản thân kém, đây là lứa tuổi thường làm ngược quy định trò chơi, dễ dẫn đến tai nạn.

ThS tâm lý NGUYỄN THỊ MỸ LINH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng

Khi tham gia chơi trận giả phải chạy, bò, trườn, la hét... với cường độ cao. Người bệnh tim, cao huyết áp, hen suyễn khi vận động với cường độ cao sẽ không tốt cho sức khỏe bởi tăng lưu lượng và cung lượng tim, tăng chức năng hô hấp. Người bệnh sẽ bị ngất hoặc nặng hơn có thể ngưng tuần hoàn nếu tim làm việc quá sức... Những người có các bệnh lý nói trên không nên tham gia trò chơi đánh trận giả.

TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM)

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm