Đường sắt cao tốc Bắc-Nam làm như thế nào?

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có chiều dài 1.545 km, kéo dài từ Hà Nội đến TP.HCM, gồm 23 nhà ga, đi qua 20 tỉnh, TP với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 triệu tỉ đồng. Đó là thông tin được liên danh tư vấn, do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đứng đầu, báo cáo giữa kỳ nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam do Bộ GTVT tổ chức ngày 28-8.

Chọn phương án xây mới

Theo đó, đơn vị tư vấn đưa ra hai trường hợp để hiện đại hóa ngành đường sắt. Trường hợp thứ nhất là nâng cấp tuyến hiện hữu, không đầu tư tuyến mới. Trường hợp thứ hai là nâng cấp tuyến hiện hữu và kết hợp đầu tư tuyến mới. Trong đó, đơn vị tư vấn đề xuất trường hợp hai.

đơn vị tư vấn nhận định việc nâng cấp tuyến hiện hữu khó cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, đặc biệt là hàng không. Còn trường hợp hai vừa tối ưu công suất vận tải đường hiện có, vừa xây dựng được tuyến mới với vận tốc tối đa khoảng 350 km/giờ.

“Như vậy, tương lai đường sắt hiện hữu được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và hành khách một số chặng nhất định. Đường sắt tốc độ cao chỉ vận chuyển hành khách. Đây cũng là mô hình một số nước như Nhật Bản đã làm” - đơn vị tư vấn nhấn mạnh.

Qua đó, tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam có điểm đầu là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (phường Phú An, quận 2, TP.HCM).

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao có điểm đầu là Hà Nội và điểm cuối là TP.HCM, chiều dài 1.545 km. Đồ họa: H.TRANG

Theo đơn vị tư vấn, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư. Trong đó, xây dựng đoạn thí điểm dự kiến Thủ Thiêm-Long Thành, sau khi vận hành thí điểm sẽ đưa vào khai thác thương mại năm 2028-2029; các đoạn ưu tiên, đơn vị tư vấn dự kiến đề xuất hai đoạn là Hà Nội-Vinh và Nha Trang-TP.HCM, sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2032. Đoạn còn lại Vinh-Nha Trang sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2040-2045. Giai đoạn đầu khai thác tốc độ 160-200 km/giờ với định hướng đầu tư hạ tầng đáp ứng tương lai lâu dài, giai đoạn sau tốc độ khai thác tối đa 320 km/giờ (tốc độ thiết kế 350 km/giờ).

Đối với phương án huy động vốn cho dự án, đơn vị tư vấn cho biết dự kiến huy động từ vốn trong nước; vốn vay ODA; vốn của doanh nghiệp, tư nhân; vốn thu từ quỹ đất.

Cần tính đến giao thông kết nối

Cho rằng đây là siêu dự án, TS Nguyễn Ngọc Long, phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, cho rằng việc chia các đoạn (Hà Nội-Vinh, TP.HCM-Nha Trang, Nha Trang-Vinh) chưa phù hợp. Theo đó, cần chia nhỏ các dự án đầu tư nhằm thực hiện tốt các dự án thành phần. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các nhà ga, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM cần có đề xuất giao thông kết nối đồng bộ để phát huy hiệu quả dự án.

ông Long cũng cho rằng trường hợp sử dụng vốn ODA cần có sự đồng bộ trong quá trình đầu tư và huy động vốn. Về vốn ngân sách nhà nước, phải nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để đảm bảo việc thực hiện. Đối với vốn tư nhân, cần xác định tỉ trọng và giá trị là bao nhiêu, đánh giá tính khả thi trong điều kiện Việt Nam trước khi đề xuất Chính phủ quyết định.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu hướng tuyến song song với đường bộ cao tốc để tận dụng quỹ đất, giảm chi phí giải phóng mặt bằng…

Giải đáp về vốn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải dự án này phải tính bằng hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại cho xã hội, chứ không phải hiệu quả kinh tế từ dự án. Ông Đông cũng khẳng định về hạ tầng Nhà nước phải đầu tư, còn lại sẽ hướng đến tư nhân.

Kết thúc buổi báo cáo, Thứ trưởng Đông cho biết trong báo cáo cuối kỳ sẽ chi tiết hơn và mong muốn người dân, chuyên gia đóng góp cởi mở, thẳng thắn để sớm được Chính phủ, Quốc hội thông qua.

Các tỉnh muốn nhà ga vào trung tâm TP

Tại cuộc họp, đại diện 20 tỉnh, TP có đường sắt tốc độ cao đi qua đều cho biết cơ bản đồng tình với hướng tuyến. Tuy nhiên, nhiều tỉnh cũng lưu ý với đơn vị tư vấn cần xây dựng nhà ga ở vị trí trung tâm hoặc các điểm có hệ thống giao thông kết nối để phát huy hiệu quả của dự án.

Ngoài ra, một số đại biểu lo lắng về công nghệ. Về vấn đề này, đơn vị tư vấn cho biết dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất để đầu tư. Các loại hình công nghệ tiên tiến mà thế giới đang hướng tới là công nghệ động lực phân tán EMU và công nghệ hệ thống truyền dẫn. “Đây cũng là công nghệ được tư vấn đề xuất áp dụng cho đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam” - đơn vị tư vấn nhấn mạnh.

Lộ trình xây dựng

- Đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1435 mm, điện khí hóa. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và với TP.HCM.

- Giai đoạn 2020-2030, triển khai xây dựng mới đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ), đường đôi khổ 1435 mm, điện khí hóa. Hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai. Ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn theo khả năng huy động vốn.

- Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ 350 km/giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm