Thận trọng với tuyến monorail vào sân bay

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Bộ GTVT vừa đề xuất với Sở GTVT TP.HCM phương án xây tuyến xe điện một ray đi trên cao (monorail) nhằm giải cứu kẹt xe khu sân bay Tân Sơn Nhất (TSN). Theo phương án, đơn giá xây dựng là 35-50 triệu USD/km (Pháp Luật TP.HCM ngày 21-10 đã thông tin).

Một số chuyên gia đã lo ngại về phương án này.

Ông HÀ NGỌC TRƯỜNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu Đường Cảng TP.HCM:

Trùng với metro và giá quá cao

Phương án xây tuyến monorail ra vào sân bay khó khả thi vì hiện nay TP.HCM đã quy hoạch tuyến metro số 4B (từ Công viên Gia Định ra Lăng Cha Cả). Tuyến này có nhánh đi trên đường Trường Sơn dài khoảng 2 km để vận chuyển hành khách từ Công viên Hoàng Văn Thụ ra vào sân bay TSN. Trên cùng một hướng tuyến mà tồn tại hai loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn (metro và monorail) thì có lãng phí quá không?

Tuy nhiên, muốn làm phương án monorail này thì phải bổ sung nó vào trong quy hoạch giao thông đường bộ của TP. Lý do phải bổ sung vào quy hoạch vì tổng mức đầu tư của mỗi phương án (4.500-7.200 tỉ đồng) và suất đầu tư cho mỗi kilomet (750-1.100 tỉ đồng, tương đương 35-50 triệu USD/km, trong khi metro đi trên cao là 24-25 triệu USD/km) là rất cao. Từ đây dự án cũng rất cần trình ra Quốc hội để quyết định và giám sát nguồn vốn đầu tư công.

Mặt khác, phương án này chỉ phục vụ riêng cho lượng khách ra/vào sân bay trong khi TP.HCM có tới 95% người dân đi xe máy nên sẽ tạo ra ùn tắc tại các tuyến đường khác. Do đó, cần tính toán đến lượng vận chuyển và đối tượng phục vụ. Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông khu vực xung quanh sân bay TSN, đưa lượng khách đạt 43 triệu/năm thì chỉ có phương án mở cửa sân bay ở đường Hoàng Hoa Thám, kết nối giao thông lân cận. Bộ Quốc phòng sớm bàn giao lại cho TP 157 ha đất để làm sân đỗ, bỏ sân golf trong sân bay.

Hiện TP đã có chủ trương làm tuyến đường trên cao số 1, trong đó trùng với đoạn monorail từ mũi tàu Nguyễn Văn Trỗi đến ngã tư Phú Nhuận. Ảnh: LĐ

PGS-TS PHẠM XUÂN MAI, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM:

Sẽ gây tắc nghẽn 3 điểm

Nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông khu vực trước và quanh cổng sân bay là do lượng phương tiện quá cảnh trên các tuyến đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng chứ không phải do lượng xe ra vào sân bay. Vì vậy, nên xem xét tách dòng các phương tiện không cần thiết lưu thông tại các tuyến đường qua khu vực này.

Cạnh đó, nếu làm hai điểm trung chuyển ở Công viên Hoàng Văn Thụ và Gia Định sẽ tập trung lượng khách về đông, gây tắc nghẽn cho cả ba điểm (hai công viên và trước cửa sân bay). Phương án này cần phối hợp với các dự án khác để phát huy hiệu quả. Hiện nay giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực này đang có rất nhiều giải pháp, nên xem xét giải pháp nào hiệu quả nhất thì thực hiện.

Một chuyên gia giao thông:

Cần tính đến thời gian đi lại và mỹ quan đô thị

Theo thông tin từ Pháp Luật TP.HCM, phương án monorail được quan tâm báo cáo là tuyến đi vòng dài 6,3 km, qua chín ga, tần suất 4 phút/chuyến/ga. Như vậy, một vòng hành trình của tuyến monorail này sẽ mất trên 36 phút, tức chỉ đạt vận tốc 13-15 km/giờ, thấp hơn tốc độ đi xe máy trong cảnh ùn tắc hiện nay là trung bình 20 km/giờ.

Lại nữa, tại hai ga trung chuyển, depot ở Công viên Hoàng Văn Thụ, Gia Định và trước cửa sân bay TSN thì thời gian dừng, đón, trả khách phải lâu hơn ở sáu ga xép khác. Vì thời gian cho từng hành khách mang vác theo valy, ba lô hành lý (trung bình từ 20 kg trở lên) và cả đoàn tàu 360-400 người chuyển tiếp từ xe máy, ô tô lên tàu và xuống ga ở cửa sân bay phải mất thêm 2-3 phút/ga. Do vậy, thời gian hành trình của một chuyến tàu phải trên 50 phút. Từ đây dẫn đến tốc độ di chuyển bằng monorail từ Công viên Hoàng Văn Thụ hoặc Công viên Gia Định vào cửa sân bay bằng đúng tốc độ đi bằng cách vác valy đi bộ thẳng vào sân bay.

Hiện TP đã có chủ trương làm tuyến đường trên cao số 1 từ đầu đường Phan Thúc Duyện - Trường Sơn đến giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó có đoạn đi trên đường Hoàng Văn Thụ trùng với đoạn monorail từ mũi tàu Nguyễn Văn Trỗi đến ngã tư Phú Nhuận. Vậy nếu cùng có cả đoạn monorail và đường trên cao dài khoảng 2 km qua đây thì sẽ “đi” như thế nào?

Monorail đi bằng với đường trên cao ở tĩnh không 4,75 m thì tổng chiều rộng mặt đường của hai loại đường này sẽ là trên 14-16 m. Khi đó, đường Hoàng Văn Thụ ở dưới mặt đất sẽ như là đi dưới một chiếc ô che kín khổng lồ, che hết cả khoảng sáng bên trên và không gian xung quanh. Còn nếu monorail đi ở tầng cao phía trên cùng, đường trên cao đi ở giữa thì mặt cắt không gian ở đây như anh ngực lép - bụng bự - đít (dưới đất) to bè ra. Chưa kể dáng lép - bự - to bè chạy dài gần 2 km như thế trông rất phản cảm, mất mỹ quan đô thị.

TP.HCM đã có quy hoạch hai tuyến monorail

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt năm 2013 (Quyết định 568), TP.HCM sẽ có tám tuyến metro, một tuyến tramway (xe điện mặt đất) và hai tuyến monorail (tàu điện một ray).

Tuyến monorail số 2 có tổng chiều dài đi trên cao là 27,2 km. Hướng tuyến dự án đi theo quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy - khu đô thị Bình Quới. Depot (nơi tập kết container, hàng hóa, cảng cạn) được đặt tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh với diện tích 10 ha.

Tuyến monorail số 3 có chiều dài 16,5 km. Bắt đầu từ ngã tư Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) đi theo đường Nguyễn Oanh, Quang Trung, Tô Ký và kết thúc tại ga Tân Chánh Hiệp (quận 12) với tổng số vốn đầu tư dự kiến 8.400 tỉ đồng.

Phương án làm monorail được đề xuất

Tuyến monorail có điểm xuất phát từ depot trung tâm nằm ở bên hông Công viên Gia Định hiện hữu, tiếp giáp với đường Bạch Đằng. Sau đó tuyến đi đến cửa sân bay TSN, ra đường Trường Sơn, tiếp cận ga đón trả khách ở Công viên Hoàng Văn Thụ.

Tuyến sẽ đi tiếp rồi rẽ trái sang đường Hoàng Văn Thụ đến ngã tư Phú Nhuận. Tuyến tiếp tục rẽ trái vào đường Nguyễn Kiệm để đi về hướng ngã bảy Phạm Văn Đồng và khép kín tại ga gần depot Gia Định.

Chiều dài toàn tuyến monorail khoảng 6,3 km, hoàn toàn đi trên cao nên chiếm diện tích mặt đất rất nhỏ, thời gian xây dựng khoảng 18 tháng với tổng mức đầu tư khoảng 4.725 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm