Bí thư Đồng Tháp nói về 'hai lúa' thời cách mạng 4.0

Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã trao giấy chứng nhận cho 640 DN đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC năm 2018. Trong đó, tính riêng trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong gồm An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp có 49 DN đạt danh hiệu HVNCLC.

Dịp này, Hội DN HVNCLC đã ký kết hợp tác với Saigon Innovation Hub - Sở KH&CN TP.HCM trong việc hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh cho DN thông qua các giải pháp công nghệ.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp 4.0 nhằm giúp người nông dân không chỉ suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, kể khi dự lễ ra mắt đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, thay mặt các tỉnh nói theo kiểu “hai lúa” là cuộc cách mạng 4.0 hay là nền kinh tế tri thức không dành riêng cho ai cả. Không dành cho giới tinh hoa dù đây là giới dẫn dắt xã hội tiến lên.

Nhưng làm sao đừng để hàng triệu người nông dân bị bỏ lại phía sau trong làn sóng của cuộc cách mạng 4.0. Đừng để họ sống trong những ốc đảo của tri thức.

Do đó, ông có đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ các điện thoại thông minh. Vào sáng 7-2, Đồng Tháp họp với 34 chủ nhiệm hội quán nông dân trao những thiết bị này. Họ là những người chấp nhận thay đổi, sẵn lòng và mong muốn thay đổi.

Theo ông Hoan, Đồng Tháp có nhóm xung kích tập huấn cho nông dân tiếp cận, giới thiệu những tiện ích từ smartphone để những người nông dân thấy dù smartphone rất nhỏ nhưng là cả kho tàng tri thức. Đây là bước đầu để kích hoạt người nông dân, ít nhất để họ tiếp cận với tri thức, cách mạng 4.0.

Sau đó ứng dụng để thay đổi quy trình canh tác, theo dõi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi hoặc quản lý, sử dụng nước hoặc quản lý mùa màng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là thay đổi quan niệm người nông dân thì phải suốt ngày ở ngoài đồng ruộng. Với ứng dụng smartphone trong nông nghiệp sẽ thay đổi cả tập quán của họ.

“Hiện nay người nông dân Đồng Tháp đã sử dụng smartphone để điều khiển hệ thống tưới tự động cho cam, quýt, xoài… và chúng tôi muốn phổ quát hơn” - ông Hoan nói.

Bốn doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC-chuẩn hội nhập.

Ông Hoan cho biết thêm nhiều năm qua đồng hành các nhà khoa học, chuyên gia… một trong những điểm nghẽn của sự phát triển là đông đảo người nông dân rụt rè, mơ hồ trong công nghệ thông tin.

Nếu có những chương trình để kiểm soát, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nông dân thì tăng lên sức mạnh của họ rất nhiều.

“Chúng ta đang xây dựng nền nông nghiệp thông minh thì cần đến những người nông dân thông minh. Nếu họ không có những điều kiện thì làm sao ‘thông minh” được. Từ xưa đến giờ chúng ta hỗ trợ người nông dân nhiều rồi nhưng đến lúc cần nghĩ đến hỗ trợ tri thức, kiến thức. Có như vậy dẫn dắt người nông dân làm giàu cuộc sống, thay đổi quy trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hãy cho người nông dân cần câu chứ đừng cho con cá và tri thức chính là cần câu” - ông Hoan chia sẻ.

Để đáp ứng xu thế hội nhập và giúp DN xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường khó tính, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2017, Hội DN HVNCLC đưa ra bộ tiêu chuẩn HVNCLC-chuẩn hội nhập giúp DN có thêm “giấy thông hành” và khẳng định tính cam kết về tiêu chuẩn chất lượng cho các thị trường xuất khẩu.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho biết đến nay đã có 66 DN lĩnh vực thực phẩm đạt danh hiệu HVNCLC- chuẩn hội nhập. Bộ tiêu chí này sẽ là lợi thế, điểm tựa về chất lượng kỹ thuật, là lời cam kết vững chắc về chất lượng tạo điều kiện cạnh tranh với hàng ASEAN đang tràn ngập và cả cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu. Năm 2018, hội tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí HVNCLC-chuẩn hội nhập cho nhóm sản phẩm phi thực phẩm.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm