Ngân hàng “thay” tín dụng đen?

Từ đầu tháng 11 trở đi, không khí chuẩn bị nguồn hàng buôn bán cuối năm ở các chợ tại TP.HCM bắt đầu nhộn nhịp. Nhưng cũng mùa này, vốn lưu động trở thành vấn đề làm đau đầu các tiểu thương. Nhiều năm trước, dịch vụ cho vay với lãi suất cao đã thao túng các chợ. Năm nay, một số ngân hàng thương mại thấy được tiềm năng của thị trường này đã vào cuộc bằng những gói sản phẩm cho tiểu thương vay hết sức tiện ích.

Tín dụng đen: Bao nhiêu cũng có

Một cán bộ phụ trách kinh doanh chợ phân tích thường mỗi quầy sạp chuẩn bị hàng bán. Tết cần 500 triệu đồng đến năm tỷ đồng. Số tiền tiểu thương cần vay thấp nhất cũng là 300 triệu đồng. Để được ngân hàng cho vay, họ phải làm thủ tục xác nhận sở hữu sạp, xác nhận có giấy phép kinh doanh, có tài sản... Thường ngân hàng không chuộng cho hộ buôn bán nhỏ lẻ vay. Nhiều tiểu thương còn mang tâm lý sợ bạn hàng thấy tiếp xúc với nhân viên tín dụng lại nghĩ do làm ăn thua lỗ nên bị... xiết nợ...

Trong khi đó, tín dụng đen nhanh chóng giao tiền “tươi”, khỏi thủ tục rườm rà, xác nhận nhiêu khê... Riết rồi quen, nhiều khi không cần đưa giấy tờ sạp hoặc tài sản cầm cố họ cũng vay được vốn. Yếu tố “nhanh” là cực kỳ quan trọng với tiểu thương nên tín dụng đen đã níu áo được họ, ăn đứt các dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, khi chơi với tín dụng đen là tiểu thương chấp nhận trả giá rất đắt: lãi suất cắt cổ và khi không trả được nợ thì sẽ bị băng nhóm giang hồ chuyên đi đòi nợ thuê “xử”, tán gia bại sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Ngân hàng nhập cuộc

Thấy được tâm tư của giới tiểu thương, gần đây một loạt ngân hàng thương mại, kể cả nước ngoài đã nhập cuộc. Mạnh nhất phải kể đến ACB, Đông Á, ABBANK... có nhiều sản phẩm tín dụng cho khách hàng cá nhân. Ngân hàng An Bình có gói sản phẩm dịch vụ dành cho tiểu thương vay sản xuất, kinh doanh với mức vay đến 80% nhu cầu vốn và 80% giá trị tài sản đảm bảo. Lãi suất chỉ từ 1,02%/ tháng đến 1,05%/tháng và khách hàng có thể trả lãi hàng tháng, còn vốn có thể trả vào cuối kỳ.

Khách hàng tiểu thương vay vốn tại ACB cũng được hưởng các chính sách ưu đãi như lãi suất vay thấp, thủ tục vay đơn giản. Cụ thể, tiểu thương có thể vay vốn từng lần, vay theo hạn mức tín dụng... với thời gian cho vay đến 15 năm.

Tuy nhiên, khi hỏi liệu ngân hàng có cạnh tranh được với tín dụng đen hay không, giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng thương mại tại TP.HCM vẫn thừa nhận là rất khó. Cách quản lý trong hoạt động kinh doanh và thói quen dùng tiền mặt, mua bán không có hóa đơn chứng từ của tiểu thương là một khó khăn cho các ngân hàng khi tiếp cận cho vay.

Để giải quyết vấn đề này, một số chuyên viên ngân hàng cho rằng các ngân hàng nên cử nhân viên tín dụng thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động tại các chợ và thông qua ban quản lý để triển khai cho vay phù hợp. Đồng thời các nhân viên tín dụng của ngân hàng khi phụ trách tiểu thương nào thì phải theo dõi hồ sơ, thu hồi vốn và tìm hiểu nhu cầu vốn thực tế của từng người... Đây cũng là cách ngân hàng dễ trở thành bạn thân thiết của tiểu thương, giúp họ thoát khỏi vòng vây tín dụng đen.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm