Ngành gỗ bị “nói xấu” tại Mỹ: Có ý đồ làm gỗ VN mất thị trường

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, trên trang web của Cơ quan điều tra môi trường phi chính phủ (EIA) đóng tại Mỹ vừa qua đã đăng bài “Liên quan bí ẩn giữa gỗ bất hợp pháp với sự bùng nổ ngành đồ mộc Việt Nam”. Bài viết này cho rằng ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngay lập tức bài viết đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước khi Mỹ là thị trường nhập khẩu rất nhiều đồ gỗ từ Việt Nam.

EIA đã điều tra như thế nào?

Trong bài viết được đưa lên trang web của mình vào ngày 19-3, tác giả bài viết cho biết EIA và một tổ chức đối tác tại Indonesia có tên là Telapak đã điều tra dưới hình thức quay phim và viếng thăm bí mật các nhà máy sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam.

Theo EIA, khi một số nước trong khu vực xử lý nghiêm việc kinh doanh gỗ lậu thì doanh nghiệp gỗ lại chuyển sang tàn phá các khu rừng của Lào. Năm 1999, chính phủ Lào đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ khối. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam làm ngơ trước lệnh cấm này và vẫn tiếp tục dùng đủ mọi cách thức bất hợp pháp nhập khẩu gỗ khối với khối lượng lớn.

EIA và Telapak ước tính hàng năm có ít nhất 500 ngàn m3 gỗ khối được vận chuyển trái phép từ Lào vào Việt Nam. Con số này cũng liên quan chặt chẽ đến những con số về tình hình xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong năm 2007 mà EIA đưa ra trong báo cáo của mình. Theo đó, khối lượng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2007 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 10 lần so với năm 2000 và biến Việt Nam trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ lớn thứ tư trên thế giới.

Không dừng lại ở đó, các “điều tra viên” của EIA và Telapak nói rằng họ đã đến một số công ty có số lượng lớn gỗ xuất khẩu để tìm hiểu và chỉ ra phần lớn nguồn gốc nguyên liệu gỗ là không minh bạch.

EIA và Telapak còn chỉ ra rằng không chỉ doanh nghiệp Việt Nam tham gia khai thác nguồn gỗ từ Lào mà các doanh nghiệp từ Thái Lan và Singapore cũng tham gia. EIA và Telapak đã gặp gỡ các thương nhân Thái Lan, những người dùng chiêu bài đút lót cho các quan chức ngành công an để đảm bảo các nguồn cung gỗ súc giá trị tiềm năng tới khoảng nửa tỷ USD.

Thông qua báo cáo của mình, EIA kêu gọi việc kiểm duyệt chặt chẽ hơn về nguồn gốc gỗ tại các nước chế biến và sản xuất các sản phẩm từ gỗ. EIA yêu cầu cơ quan môi trường, Ủy ban châu Âu (EU) gây sức ép đối với nhà nhập khẩu Mỹ như hạn chế nhập khẩu hàng gỗ xuất xứ Việt Nam.

Râu ông nọ cắm cằm bà kia

Trước thông tin bất lợi trên, chiều ngày 12-4, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cùng với các doanh nghiệp đã có cuộc gặp với đại diện Bộ Công thương.

Tại cuộc họp này, nhiều doanh nghiệp đều rất bất bình với những cáo buộc của EIA. Đại diện doanh nghiệp cho rằng con số mà tổ chức EIA đưa ra trong báo cáo là con số không tưởng, không đúng sự thật. Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết thông tin của EIA là lượm lặt, chắp vá và có tình trạng cài người vào doanh nghiệp Việt Nam theo kiểu “gián điệp” kinh tế. Cùng với đó, doanh nghiệp phản đối cách điều tra của cơ quan môi trường này và khẳng định cơ quan này không hiểu biết về ngành gỗ.

Trong công văn gửi tới các doanh nghiệp, ông Trịnh Vỹ - Chánh văn phòng Vietfores khẳng định bài viết xuất phát từ ý đồ gây tổn thất cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước bằng cách làm mất thị trường Mỹ rộng lớn.

Theo Vietfores, Việt Nam chỉ đứng thứ hai về xuất khẩu sản phẩm gỗ ở Đông Nam Á. So với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Brazil, Mexico... thì ngành công nghiệp gỗ nước ta còn kém xa. Ngoài ra, hàng năm, doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra gần một tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu từ rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ. Điều này hoàn toàn trái ngược khi bài viết cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguồn gỗ lậu và có nguồn gốc bất hợp pháp.

Sau cuộc họp, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hawa cho biết bản thân ông đã xem báo cáo, hình ảnh, đoạn phim và cho rằng EIA đưa ra toàn hình ảnh lắp ghép theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương cho rằng ngành công nghiệp gỗ trong nước có đủ cơ sở để phản bác lại hai tổ chức phi chính phủ kia. Trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam phải bình tĩnh nhưng không được chủ quan trước thông tin này.

Được biết, EIA là tổ chức quốc tế chưa được biết rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, do tổ chức này sử dụng nguồn tài chính của EU nên được các nước trong cộng đồng này đánh giá cao. Vì vậy, sự cảnh báo của EIA được doanh nghiệp thuộc cộng đồng EU coi trọng. Doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị đầy đủ thông tin để trả lời thỏa đáng khi cơ quan kiểm tra của nước nhập khẩu hỏi.

Đại diện Bộ Công thương cho biết hôm nay (14- 4), trong buổi làm việc với Chính phủ về việc hạn chế chống lạm phát, Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng rõ về vấn đề này. Về phía hiệp hội cũng phải có công văn báo cáo trực tiếp với Thủ tướng.

Cá tra cũng từng bị bêu xấu

Đây không phải là lần đầu tiên hàng hóa của Việt Nam gặp nạn. Tại hội thảo về cá tra mới đây, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kể đã từng có bài báo trên Internet nói xấu về quy trình công nghệ nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam.

Bài báo này cho rằng cá tra được nuôi trong môi trường dơ dáy, mất vệ sinh nhằm đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Nếu ai không hiểu con cá tra của Việt Nam được nuôi và chế biến như thế nào mà đọc và tin vào bài báo đó thì có lẽ sẽ nghĩ là thật kinh khủng và chẳng bao giờ dám ăn.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm