Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, mục tiêu của Nghị định 20/2017 là nhằm chống chuyển giá, chống trốn tránh nghĩa vụ thuế phải nộp đối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, do việc khống chế tỉ lệ lãi vay được tính vào chi phí hợp lý khi trừ thuế thu nhập DN là 20% khiến DN gặp khó khăn và phát sinh thêm hàng trăm tỉ đồng tiền thuế. Đặc biệt là khi tất cả DN có giao dịch liên kết đều phải chịu khống chế tỉ lệ lãi vay như nhau.
Thiệt hại gấp ba lần nếu chờ… dự thảo luật
Sau hàng loạt kiến nghị của DN về những bất hợp lý của nghị định trên, Bộ Tài chính đã bổ sung nội dung liên quan vào luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Cụ thể là Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ chỉ áp dụng mức trần 20% về chi phí lãi vay phát sinh đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết nhưng có mức thuế thu nhập DN khác nhau.
Riêng đối với tổng công ty, công ty mẹ - công ty con ở cùng lãnh thổ Việt Nam, cùng mức thuế thu nhập DN, cùng mức ưu đãi về thuế thu nhập DN thì áp dụng trên báo cáo tài chính hợp nhất của đơn vị nộp thuế.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, nội dung trên đã được đưa vào Luật Quản lý thuế sửa đổi để trình Quốc hội tại phiên họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đang diễn ra. Dự thảo luật dự kiến sẽ được các đại biểu thảo luận vào ngày 8-11 tới đây nhưng phải… kỳ họp sau mới thông qua.
Điều này có nghĩa mãi đến kỳ họp thứ 7 dự kiến diễn ra vào tháng 5-2019, trong trường hợp Quốc hội thông qua thì cuối năm 2019 mới có hiệu lực. Sau đó còn chờ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn...
Nhiều DN Việt kêu trời vì bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20/2017. Trong ảnh: Một dự án BOT cần nhiều vốn vay để đầu tư. Ảnh: HTD
Nhiều DN và chuyên gia cho rằng nếu quy định về khống chế trần lãi vay không sửa đổi cho phù hợp với thực tế mà phải chờ sửa đổi theo Luật Quản lý thuế thì thiệt hại cộng đồng DN trong nước còn nặng nề gấp ba, bốn lần hiện nay vì phải chờ.
Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia thuế phân tích: Nghị định 20/2017 có hiệu lực từ tháng 5-2017, nếu phải chờ sửa đổi trong Luật Quản lý thuế dự kiến có hiệu lực cuối năm 2019. Như vậy, DN phải đóng thêm tiền thuế bất hợp lý tới ba năm 2017, 2018 và 2019 trong thời gian chờ dự thảo luật được Quốc hội thông qua.
Tổng cục Thuế cho biết đã nhận được gần 40 công văn của DN nêu vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Nghị định 20/2017. |
Cần sửa ngay Nghị định 20
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng quy định khống chế tỉ lệ lãi vay trong Nghị định 20 không chỉ ảnh hưởng tới những DN lớn mà những DN nhỏ và vừa cũng bị ảnh hưởng lớn.
“Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 20 theo hướng: Quy định khống chế lãi tiền vay tại nghị định trên chỉ nên áp dụng đối với hai đối tượng DN. Thứ nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới. Thứ hai là các DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập DN khác nhau”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không nên trì hoãn sửa đổi Nghị định 20 vì nó khiến DN khó phát triển mở rộng sản xuất.
Giảm lợi thế cạnh tranh của DN Việt Tại dự thảo tờ trình về tình hình thực hiện Nghị định 20/2017 vừa gửi Chính phủ, Bộ Tài chính thừa nhận trên thực tế, trong quá trình thực hiện, các tập đoàn, tổng công ty trong nước và các công ty thành viên lại chịu tác động nhiều nhất của Nghị định 20/2017. Bộ Tài chính cũng công nhận việc áp dụng Nghị định 20/2017 sẽ khiến giảm lợi nhuận còn lại để đầu tư, giảm lợi thế cạnh tranh của một số DN Việt. |