Nhìn lại ba năm thực hiện cơ cấu tài chính công, ông Tuấn cho rằng: “Đà giảm sút huy động nguồn lực vào ngân sách nhà nước đã được giảm. Ba năm qua chúng ta đã phục hồi tỉ lệ động viên trên 23%, thuế phí đóng góp 21,5% và đã cơ bản tạo thuận lợi môi trường đầu tư để huy động vốn trên cơ sở mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng đề cập đến việc kiểm soát được bội chi như là thành tích. “Năm 2015, bội chi 5,12% GDP, 2016 là 3,6%. Năm nay khoảng 3,6%, giảm hơn 2% so với năm 2015. Cùng với đó nợ công đã được kiểm soát tốt hơn đến cuối năm 2017” - ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, chi đầu tư phát triển cũng đã tăng lên. Đầu tư công nếu trước đây dựa vào bán tài sản công là quyền sử dụng đất thì giai đoạn 2017-2018 đã thay đổi cơ cấu. Bán tài sản công chỉ còn chiếm khoảng 30% trong đầu tư công.
Cùng với đó, tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giữ vững được nợ trung và dài hạn. “Chúng ta đã hình thành thị trường trái phiếu chính phủ liên thông với thị trường tiền tệ để đảm bảo công bằng, minh bạch” - ông Tuấn nói.
Sau khi điểm qua những giải pháp quan trọng nhắm vào cải cách thể chế và thủ tục hành chính, ông Tuấn đề cập tới sáu thách thức của nền tài chính quốc gia. Trong đó có những điểm đáng chú ý như tỉ lệ động viên tài chính chưa bền vững, thu nội địa vẫn chiếm tới 82%.
“Một bộ phận nguồn thu, nhất là địa phương phụ thuộc vào bán tài sản công, quyền sử dụng đất. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn” - ông Tuấn nói. Lấy ví dụ về việc cơ quan thuế triển khai Nghị định 20, ông Tuấn nêu con số đáng suy nghĩ: “Nhờ việc này chúng ta đã tăng thu thêm 300 triệu USD và quan trọng là giảm lỗ 2,2 tỉ USD với các công ty trong và ngoài nước”.
Còn ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhận định: “Liên minh châu Âu coi cải cách tài chính công ở Việt Nam là quan trọng. Là nước có thu nhập trung bình nhưng Việt Nam phải đảm bảo cung cấp dịch vụ tài chính công bằng cách tăng nguồn thu trong nước và quản lý tài chính hiệu quả. Liên minh châu Âu muốn giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vấn đề về thuế và quản lý tài chính trong chuyển đổi nền kinh tế xanh” - ông Bruno Angelet nói.