Ngày 8-8, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Thông tin tại hội nghị cho hay Việt Nam (VN) đã vươn lên đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai châu Á và thứ năm thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay sản phẩm gỗ và lâm sản VN đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường lớn nhất của VN trong nhiều năm qua là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, nói ít ai biết gỗ nội thất cho phòng First Class của hãng hàng không hạng sang thế giới Emirates được làm bởi VN. Park Hyatt st Kitts and Nevis, khách sạn năm sao bậc nhất thuộc vùng biển Caribbean với những tiện nghi hoàn hảo cũng sử dụng đồ gỗ VN. Nhiều công trình nội thất tại các khách sạn sáu sao ở Mỹ, Nhật, Dubai, Singapore... cũng sử dụng sản phẩm gỗ Việt bởi chất lượng, độ tinh tế cao và sử dụng nguyên liệu hợp pháp.
Thủ tướng cùng các đại biểu dự triển lãm nội thất gỗ trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, ông Khanh thừa nhận ngành gỗ chỉ mới sử dụng 30%-40% nội lực. Do đó ông đề xuất xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ để mỗi khi nhắc đến VN sẽ kèm cụm từ “là trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới”. Đồng thời thành lập trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ đủ tầm, thành lập viện thiết kế nội thất VN, tổ chức các giải thưởng thiết kế như kinh nghiệm thành công từ Singapore.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu VN phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của VN.
Nhấn mạnh việc đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm để tăng giá trị gia tăng, Thủ tướng chia sẻ câu thơ mà ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, vừa gửi cho Thủ tướng: “Làm nghề mộc phải có hồn thi sĩ, tìm ý thơ trên mặt gỗ vô tình”. “Gỗ thì vô tình nhưng nghệ nhân, thiết kế phải làm sản phẩm hấp dẫn hơn, thu hút hơn, từ đó giá trị gia tăng cao hơn”.
“Có một vấn đề chúng ta rất quan tâm là thương hiệu. Tất cả điều chúng ta muốn làm để đạt mục tiêu trên sẽ không có được nếu không có thương hiệu sản phẩm gỗ VN. Chúng ta còn nhiều trăn trở khi nhiều mặt hàng hoàn toàn có thể sản xuất được, bảo đảm chất lượng mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước” - Thủ tướng bày tỏ.
Nhấn mạnh bất cập trong việc thực thi pháp luật về lâm sản, Thủ tướng tái khẳng định chủ trương: Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không phá rừng làm cây công nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt trên 8 tỉ USD vào năm 2017, tăng tám lần so với năm 2005, tăng 10% so với năm 2016. Năm 2018 phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tối thiểu 9 tỉ USD. Tuy nhiên, trong hơn 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, thương hiệu nổi bật, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. |