Lý do hàng Việt Nam bị hàng Thái Lan ‘hạ đo ván’

Chẳng hạn Việt Nam được coi là vựa trái cây nhưng phải nhập rất nhiều trái cây từ Thái Lan.

Vì sao vậy? TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, phân tích: “Yếu kém nhất là khả năng minh bạch hóa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Việc thiếu minh bạch thông tin khiến nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam thua ngay cả trên thị trường nội địa của chính mình”.

Giám đốc điều hành Tập đoàn SIAM của Thái Lan, ông Siwat Yeesunsang, cũng cho hay mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1.000 container hoa quả tươi từ Thái Lan, chưa tính các sản phẩm chế biến đông lạnh khác. Ông cho rằng Việt Nam là nơi sản xuất hoa quả rất mạnh nhưng chính người Việt Nam tìm đến các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả Thái Lan vì quy trình sản xuất chuẩn và minh bạch. Khách hàng có thể tra xuất thông tin sản phẩm trong từng quy trình nhỏ sản xuất và chất lượng sản phẩm khi ra thị trường qua ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực).

“Quy trình sản xuất ra sản phẩm vô cùng quan trọng và chúng tôi tuân thủ chặt chẽ quy trình này. Sản phẩm của chúng tôi không thiếu, không thừa nước, phân và người tiêu dùng rất tin vào quy trình của chúng tôi. Chúng tôi có niềm tin từ người tiêu dùng Việt và họ tự chọn lựa chúng tôi” - ông Siwat Yeesunsang tự tin nói.

Tương tự SIAM, mỗi năm Tập đoàn AIM Thai cũng xuất khoảng 1.000 container hoa quả vào Việt Nam. Ông Mongkhon Kobkitthanarueang, đại diện tập đoàn này, thông tin thêm: Các sản phẩm của AIM Thai được xuất khẩu rất nhiều vào Việt Nam và tập đoàn cũng nhập nhiều sản phẩm của Việt Nam để xuất qua Trung Quốc.

Nói thêm về vấn đề này, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty Lina Network, đơn vị chuyên nghiên cứu công nghệ blockchain, đánh giá: “Khách hàng trên toàn thế giới có thể truy xuất thành phần, quy trình các sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan nên họ rất yên tâm. Khách hàng họ cần gì? Họ cần sự minh bạch, bất biến, mọi lúc, mọi nơi, an toàn, liên kết, chuẩn hóa về sản phẩm nông nghiệp. Điều này các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa có được nhưng sản phẩm của Thái Lan đã giải quyết được tất cả. Đó là lý do tại sao sản phẩm nông nghiệp Thái Lan dù giá cao, chưa chắc có lợi thế về chất lượng hơn sản phẩm của Việt Nam nhưng vẫn được khách hàng tìm đến. Họ không cần mất quá nhiều chi phí quảng cáo mà vẫn hiệu quả trong việc tìm kiếm khách hàng”.

Bên cạnh việc thua kém về sự minh bạch, các tập đoàn thương mại khi làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp còn than phiền thủ tục hành chính quá rườm rà, gây cản trở cho khâu xuất khẩu. Ông Mongkhon Kobkitthanarueang, đại diện cho AIM Thai, chia sẻ: “Vấn đề kiểm tra và vận chuyển sản phẩm của phía Việt Nam quá chậm. Khâu kiểm tra an toàn sản phẩm trước khi xuất khẩu thường bị đình trệ”.

 TS Đào Thế Anh cho hay Việt Nam đi đầu sản xuất hạt tiêu nhưng giá hạt tiêu trên thị trường xuất khẩu của Việt Nam chỉ bán được 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá hạt tiêu của Thái Lan là 150.000 đồng/kg và được thị trường thế giới chấp nhận dễ dàng hơn hạt tiêu của Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm