Sẽ "thổi còi" nếu doanh nghiệp vượt mức trần giá xăng

Mô tả ảnh.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Phải đưa ra giải pháp tổng thể nhằm bình ổn giá". Ảnh: VA

Không được điều hành kiểu "giật cục"

- Thưa Bộ trưởng, trước tình hình giá cả vẫn tiếp tục leo thang trong thời gian qua, tới đây Bộ Tài chính có tham mưu gì với Chính phủ?

Chúng ta phải đưa ra giải pháp tổng thể. Cân đối cung cầu hàng hóa dứt khoát phải đảm bảo. Đó là việc lớn nhất. Bên cạnh đó, về tài chính, phải siết chặt chi tiêu, đảm bảo hoạt động đều đặn, không bị dồn.

Đồng thời, chúng ta phải tích cực thu cho đúng, bội chi thì giữ. Về tiền tệ, theo quan điểm cá nhân tôi, tôi cho rằng phải điều hành chặt chẽ, linh hoạt, thận trọng nhưng không được “giật cục”.

Ví dụ như vấn đề lãi suất thì vẫn phải điều hành lãi suất dương. Đúng là có thể gây khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn ngắn hạn trong việc huy động vốn nhưng lại làm lành mạnh hóa các khoản tín dụng. Bởi khi lãi suất lên thì bản thân các chủ dự án sẽ phải tính toán. Dự án hiệu quả thì mới đầu tư, còn không thì phải thôi.

Trong tín dụng thì phải phân biệt chứ không nên vơ đũa cả nắm. Thắt chặt tín dụng không có nghĩa là tất cả đều thắt chặt mà vẫn phải mở tín dụng để phục vụ tăng trưởng.

Ngay với chứng khoán cũng vậy, phải có giới hạn nhất định chứ không phải cho đóng cửa hết. Trong giới hạn an toàn, phải mở biên độ để chứng khoán hoạt động bình thường và an toàn.

- Thế còn với bất động sản?

Bất động sản cũng vậy. Nói bất động sản "nóng" thì cái "nóng" có thể do cung - cầu chưa ổn hoặc do đầu cơ. Đầu cơ thì phải chỉnh. Nhưng người ta phát triển cung một cách lành mạnh thì phải cho vay chứ nếu không thì lấy đâu ra cung để cân đối với cầu, kể cả người dân, doanh nghiệp đều được vay.

Nhưng nếu đầu tư theo kiểu chụp giật hoặc đầu cơ thì phải xem xét. Nhà nước sẽ kiểm soát các dự án. Cái này phải phối hợp giữa Trung ương, địa phương. Quản lý trên địa bàn thì thừa biết dự án nào người ta không làm mà “sang tay” chứ.

Về tài chính, trong lúc chưa ra được Luật thuế tài sản (phải tới 2010), chúng tôi sẽ sửa Pháp lệnh thuế nhà đất. Đây là vấn đề thuộc quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chúng tôi đang chuẩn bị lấy ý kiến dư luận. Trước mắt, sẽ sửa để điều tiết nhà, đất phi sản xuất. Trong đó, có phân biệt giữa đất thành thị và nông thôn, nhà nhiều nhà ít... Cái này sẽ góp phần tích cực vào thị trường.

Không thả nổi giá xăng

- Thưa bộ trưởng, việc để doanh nghiệp tự quyết giá xăng, dầu có khiến cho xăng, dầu trở nên không kiểm soát được?

Không thể nói là chúng ta thả nổi. Nhà nước phải đi theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có quản lý. Đằng sau việc điều chỉnh giá xăng là việc thay đổi phương thức, cơ chế quản lý giá xăng, dầu.

Liên Bộ Tài chính - Công thương sẽ tính toán để hình thành mặt bằng giá hợp lý. Giá đầu vào, đầu ra, chi phí hợp lý, lãi phù hợp... và đặc biệt có một mức trần để các doanh nghiệp đăng ký. Nếu doanh nghiệp vượt quá mức này thì Nhà nước “thổi còi”.

- Nhưng giá cả các mặt hàng, dịch vụ sẽ ăn theo giá xăng, dầu để tăng?

Cơ chế của chúng ta hiện chưa đồng bộ. Theo tôi, phải có điều chỉnh để làm sao giá không "giật cục" và theo lộ trình, kế hoạch do Nhà nước xác định. Chẳng hạn, 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh một lần. Cái này phụ thuộc vào sự tài giỏi của người quản lý.

Phải có dự phòng rủi ro thì mới chỉ huy được việc này. Khi đó, giá lên nhưng có thể chưa điều chỉnh ngay. Ngược lại, giá xuống thì cũng có lộ trình giảm một cách bình thường. Khi Nhà nước công bố rõ ràng thì người kinh doanh cũng chủ động được. Các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu cũng chủ động được.

- Dự báo lạm phát năm nay, theo ông, sẽ ở mức quá cao hay không?

Hiện nay, chưa có ai phát ngôn về bất kỳ con số nào. Chính phủ đương nhiên không muốn giá quá cao nên cố gắng bằng nhiều cách giữ trong giới hạn kiểm soát được và không để xảy ra đột biến.

- Thị trường chứng khoán đã “quá yếu”, vậy với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ có đưa ra giải pháp gì kích cầu?

Vẫn phải là cân đối cung cầu để điều hòa hợp lý. Thứ nữa là quản lý thị trường phải tốt hơn thì sẽ cân bằng giữa bất động sản và chứng khoán bởi hai thị trường này là bình thông nhau. Về chính sách tín dụng, Bộ Tài chính cũng có ý kiến, phải đảm bảo an toàn nhưng không thể "thắt" tới mức nhà đầu tư không có nguồn để kinh doanh chứng khoán hoặc bất động sản.

Theo Vân Anh ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm