Vụ dự án ngưng, dân đổ nợ: Ngân hàng biết sai vẫn cho vay

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Dự án ngưng, dân đổ nợ”, ông Trần Văn Thủy, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh huyện Ninh Phước, thừa nhận: Việc ngân hàng giải ngân dựa trên loại giấy tờ này là sai.

Ông cũng cho biết có 17 hộ ở vùng dự án khu liên hợp thép Dốc Hầm-Cà Ná vay vốn bằng quyết định bồi thường đất với số tiền vay hơn 1,2 tỉ đồng. Theo danh sách, hầu hết các hộ vay từ cuối năm 2008 và đầu năm 2009 với thời hạn trả nợ là một năm. Tại thời điểm cho vay, người dân phải chịu lãi suất 20%/năm, sau đó 13,5%. Hiện các khoản nợ này ngân hàng đã chuyển sang nhóm nợ xấu, khó đòi.

Ông Thủy lý giải việc cho vay là: Ngân hàng đã linh động vì dự án thép đang thực hiện bồi thường. Hơn nữa người dân có nhu cầu tu sửa nhà, chăn nuôi, đánh bắt hải sản… Ngân hàng nghĩ rằng khi họ nhận tiền bồi thường sẽ trả ngay. Hiện ngân hàng thường xuống xã Phước Diêm vận động người dân sớm trả nợ vì lãi luôn phát sinh. Nếu nợ gốc còn, ngân hàng vẫn tính lãi phát sinh. “Hiện ngân hàng muốn tính nợ gốc, lãi phát sinh nhưng có tính xong dân cũng đâu có tiền để trả” - ông Thủy nói.

Bà Vũ Thị Nhung, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, cũng khẳng định các hộ vay tiền không được giải quyết khoanh nợ vì đây không phải diện thiên tai, hỏa hoạn…

Như đã thông tin, sau khi bồi thường 50% số tiền cho người dân trong dự án và hứa trong năm 2009 sẽ bồi thường hết thì chủ đầu tư không thực hiện, năm 2011 thì bị rút giấy phép đầu tư. Tin lời hứa “bồi thường hết trong năm 2009” nên cuối năm 2008 và đầu năm 2009, các hộ dân đã mang quyết định bồi thường của chủ đầu tư đi thế chấp ở ngân hàng vay tiền (người ít nhất 30 triệu đồng, cao nhất 200 triệu đồng). Hiện họ đang ôm nợ, bị ngân hàng đốc thúc.

Bình về việc ngành ngân hàng cho vay bằng quyết định bồi thường của chủ đầu tư, luật gia Ngô Văn Thương, Trưởng phòng Kiểm tra văn bản, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia thuộc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, nói: Quyết định bồi thường không phải loại giấy tờ có giá trị mà ngân hàng vẫn nhận thế chấp là sai. Các hộ dân có quyền khởi kiện ngân hàng để tòa tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Khi đó, hai bên sẽ hoàn trả những gì đã nhận, tức ngân hàng trả quyết định bồi thường cho dân, còn dân trả lại số tiền nợ gốc lại cho ngân hàng. Ngân hàng không có quyền đòi dân phải trả lãi phát sinh.

MINH TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm