Nhờ luật sư bào chữa cho kẻ đâm con mình

8 giờ sáng phiên tòa bắt đầu. 7 giờ, luật sư Trần Thị Ngọc Thiện (Đoàn Luật sư TP.HCM) chuẩn bị đến tòa. Hôm nay bà sẽ bảo vệ quyền lợi cho một bị hại trong vụ án hình sự mà bà đã ký hợp đồng trước đó. Bà đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án, đã xây dựng phương án để trình bày trước tòa sao cho hiệu quả nhất.

1. Khi luật sư Ngọc Thiện sắp bước chân ra khỏi nhà thì có tiếng chuông gọi cửa. Bà ngạc nhiên khi nhìn thấy mẹ của người bị hại: “Ủa, chào chị! Gần đến giờ xử rồi sao chị không đến tòa mà còn đến đây? Tôi đang định lên tòa đây…”. Giọng hối hả, mẹ bị hại nói: “Thưa luật sư, tôi có điều muốn trình bày gấp với luật sư nên mới phải đến nhà”. “Vâng, mời chị vào nhà, có gì chị cứ nói ạ!”.

- Thưa luật sư, - mẹ bị hại nói - tôi vừa thay đổi quyết định và muốn rằng trước tòa, luật sư hãy đưa ra những tình tiết có lợi nhất để bào chữa cho bị cáo, thay vì bảo vệ quyền lợi cho con gái tôi.

- Chị… Có vấn đề gì khiến chị thay đổi như vậy? Sao tôi có thể làm thế khi tôi đang bảo vệ quyền lợi cho con gái chị! Hơn nữa, tôi đã có kế hoạch trình bày trước tòa sao cho quyền lợi của con gái chị được đảm bảo tốt nhất. Giờ bảo tôi thay đổi 180 độ như thế thì… rất kẹt.

- Thưa luật sư, cháu nó (tức bị cáo - PV) còn nhỏ, suy nghĩ còn bồng bột chứ không có chủ ý gì đâu. Giờ con tôi cũng đã lành lặn rồi, cháu nó lại phải đi tù, phải chịu những dị nghị của người đời. Luật sư giúp tôi nói vài lời để cháu nó được giảm án, không thì tôi áy náy lắm…

Và rồi trước lời đề nghị khẩn thiết của chị LNH, mẹ của bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích, luật sư Ngọc Thiện đành phải nhận lời. Đây là tình huống ngoài dự liệu và lạ lùng nhất trong cuộc đời làm luật sư của bà. Vậy là ra trước tòa bà sẽ phải trình bày những điều hầu như ngược lại so với tư cách tham gia tố tụng của mình…

Thế là trong một thời gian cực ngắn, luật sư phải thay đổi phương án trình bày trước tòa, từ bảo vệ quyền lợi cho bị hại bà chuyển sang (gần như là) bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa ngày 6-8 tại TAND quận 4 (TP.HCM).

2. Theo hồ sơ, năm 2010, NNAT và anh Đạt sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn. Hai năm sau, T. phát hiện Đạt có tình cảm với bé LNM nên ghen và thường xuyên mâu thuẫn với M. Vào ngày mùng 3 tết (năm 2013), biết tin Đạt và M. đang ngồi nhậu với nhau, T. liền đến gây sự rồi dùng dao đâm hai nhát vào lưng M. khiến M. bị thương tật 17%. Sau đó, T. bỏ trốn.

Đang cùng chồng đi gặp khách hàng ở Hà Nội, nhận được hung tin, chị H. (mẹ của M.) hủy tất cả công việc rồi tức tốc bay về Sài Gòn. Ngồi trên máy bay, nghĩ đến con lòng chị đau như cắt. Từ nhỏ con bé đã chịu thiệt. Vợ chồng chị ly hôn khi M. mới hai tuổi. Khi chị đi bước nữa thì cha nó cũng sang Mỹ xây dựng hạnh phúc mới. Dù không muốn xa mẹ nhưng khi biết mình có em, M. như biết thân biết phận và về sống với bà ngoại từ đó. “Nó chưa đủ 16 tuổi, vậy mà người ta nỡ lòng nào dùng dao đâm nó rồi lạnh lùng bỏ trốn như vậy”. Càng nghĩ chị càng quặn lòng.

Chị vào đến bệnh viện khi con gái còn đang hôn mê trong phòng cấp cứu. Người mẹ đã không còn giữ được bình tĩnh. Lúc ấy có một người đàn ông cứ đi đi lại lại ngoài hành lang, nét mặt lo sợ. Thấy chị, ông vội vã chạy đến rối rít xin lỗi. Ông là cha của T., người đã đâm con gái chị.

“Con ông làm con tôi bị thương thì phải bị trừng phạt, đừng lẽo đẽo theo tôi xin lỗi làm gì!”. Nói xong chị bỏ đi.

Suốt thời gian M. nằm bệnh viện, ngày nào cha của T. cũng đến. Mỗi lần thấy mặt ông chị đều đuổi nhưng ông vẫn cố nói lời xin lỗi rồi mới lủi thủi ra về. “Tôi biết rằng người ta có thành ý nhưng nhìn con mình đang thương tích như thế tôi điên lắm. Con người ta đi tù mấy năm rồi ra, còn con tôi thì phải mang tật suốt đời” - chị H. nghẹn lời.

Cho đến ngày M. xuất viện, thấy cha mẹ T. đến bên giường bệnh quỳ xuống nói lời xin lỗi, chị mới nguôi ngoai phần nào: “Muốn xin lỗi, anh chị về mang 90 triệu đồng đến đây rồi nói chuyện!”.

3. Phải đi vay khắp nơi cha mẹ T. mới gom được 60 triệu đồng. Cha T. kể: “Nhưng sang nhà, cô H. giận lắm, kêu “đừng có làm phiền, có gì thì nói chuyện với nhau ở tòa, tôi đồng cảm với anh chị nhưng con T. thì không được”. Vợ tôi phải quỳ xuống vừa khóc vừa nói: “Thật ra em không phải là mẹ ruột của cháu T. Mẹ cháu bỏ đi từ lúc nó chỉ mới bốn tuổi. Năm tuổi, biết cha có vợ khác, con bé buồn lắm. Dù được em yêu thương như con ruột nhưng con bé vẫn cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Giờ con bé như thế cũng do lỗi một phần ở vợ chồng em””.

Tiễn khách ra về, lòng chị H. trĩu nặng. Nghĩ về con rồi lại nghĩ về con bé T. (bị cáo), chị thấy sao hoàn cảnh hai đứa giống nhau quá. Nếu hai đứa nó không yêu chung một người thì biết đâu sẽ là bạn thân. Con gái mình dù không được cha mẹ trực tiếp chăm sóc nhưng điều kiện sống vẫn đủ đầy. Còn T. thì thiệt thòi hơn nhiều, từ nhỏ đã xa mẹ, tự bươn chải để kiếm sống…

“Lúc ấy tôi nghĩ cần phải làm gì đó để giúp con bé. Tôi bàn với con gái rồi cùng viết đơn xin bãi nại cho T. Nhưng cán bộ tòa án nói vụ án đã hoàn tất hồ sơ và chuẩn bị đưa ra xét xử, hơn nữa hành vi của T. là có dự mưu, có sự chuẩn bị nên rất khó. Tôi ray rứt lắm. Từ hôm đó tôi chỉ còn biết mong cho con bé được giảm án” - chị H. kể.

4. Ngày mở phiên xử, chị đến tòa rất sớm. Hình ảnh đầu tiên chị thấy là cha T. khập khiễng, khó nhọc lê chân leo lên từng bậc cầu thang. Đến gần chị mới biết một chân của ông bị cưa, phải ghép bằng chân gỗ. Vậy mà hằng ngày ông vẫn phải chạy xe ôm để kiếm cơm từng bữa.

“Tôi đã khóc vì không giữ được cảm xúc của mình. Tôi tự trách mình sao ông ấy bị vậy mà bao lần đến bệnh viện, đến nhà để xin lỗi, tôi lại không biết. Tôi thấy mình thật vô tâm”.

Nhớ đến người bảo vệ quyền lợi cho con gái, chị tức tốc chạy đến nhà để năn nỉ luật sư thay vì bảo vệ quyền lợi cho con gái mình thì hãy quay qua bào chữa giùm cho bị cáo, có thế may ra con bé mới được giảm án đến mức thấp nhất có thể. Quyết định này lóe lên trong đầu chị khi chỉ còn một tiếng nữa là phiên xử bắt đầu…

Cuối cùng thì tấm lòng của người nhà bị hại đối với bị cáo cũng đã được tòa xem xét. Theo tòa, bị cáo dùng hung khí nguy hiểm để xâm hại đến sức khỏe của bị hại (chưa thành niên) là rất nguy hiểm, đáng lẽ phải xử nghiêm để răn đe. Tuy nhiên, xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, đã bồi thường thiệt hại, được gia đình bị hại làm đơn bãi nại… nên tòa chỉ phạt ba năm tù.

Phiên tòa kết thúc, chị H. chạy lên xoa đầu bị cáo nói: “Gắng cải tạo tốt nha con!”. T. cúi đầu cảm ơn rồi theo công an ra xe bít bùng. Phía sau, cha T. lần lượt đến nắm tay từng người trong gia đình bị hại để nói lời cảm ơn.

NGỌC THÂN

Thật tình tôi cũng ái ngại

Đây là lần đầu tiên có trường hợp phía bị hại lại thuê luật sư để bào chữa cho bị cáo. Tôi đã chuẩn bị các tình huống để trình bày trước tòa theo hướng có lợi nhất cho bị hại, đồng thời đề nghị tòa phạt nặng bị cáo. Nhưng đến giờ chót, chị H. gặp tôi bảo đã nghĩ lại và nằng nặc muốn tôi bào chữa cho bị cáo. Phiên tòa thì chỉ còn không đầy một tiếng nữa sẽ diễn ra, dù rất rối nhưng tôi vẫn đồng ý. Thật tình được thư ký giới thiệu là luật sư của phía bị hại nhưng khi đứng trước tòa tôi lại bào chữa cho bị cáo, tôi cũng ái ngại lắm. May sao vẫn còn có nhiều người hiểu chuyện…

Luật sư TRẦN THỊ NGỌC THIỆN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm