Ngày 12-8, TAND huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) sẽ tuyên án vụ Lê Hải Nhị (nguyên giám đốc Ban Bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư của huyện), Đinh Thị Quỳnh Giao (nguyên phó giám đốc), Nguyễn Quyết Thắng (nguyên nhân viên) bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tính theo mật độ trung bình trên web
Trước đó, trong phiên xử được mở ngày 6-8, từ sáng sớm đã có rất đông người dân tới dự khán. Xe máy đậu kín sân tòa, tràn cả ra đường, người chật như nêm trong phòng xử, ngoài hành lang.
Theo hồ sơ, tháng 11-2008, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Tư Nghĩa và giao Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Cát Tiên làm chủ đầu tư. Vốn sử dụng cho dự án từ vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản. Sau đó, Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng ký hợp đồng với Ban Bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư của huyện (gọi tắt là Ban bồi thường) thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thi công xây dựng hồ.
Trong phương án bồi thường có sáu hộ dân bị thu hồi đất nhưng cáo trạng chỉ đề cập đến trường hợp ông Lê Quang Cảnh. Ban bồi thường xác định đến tháng 11-2011, ông Cảnh có 2,1 ha đất trồng cây dó bầu. Vì diện tích lớn, lượng cây nhiều nên các cán bộ Ban bồi thường thống nhất cách tính như sau: Đối với khu vực cây thưa thì đếm từng cây, khu vực mật độ dày thì xác định ô tiêu chuẩn, đo khoảng cách, hàng cách hàng để tính cho cả diện tích.
Ba bị cáo trong vụ án. Ảnh: N.ĐĂNG
Tuy nhiên, do thấy mật độ cây quá dày, bị cáo Giao đã khảo sát trên trang web của báo Lâm Đồng thấy có hướng dẫn mật độ trồng cây dó bầu là từ 1.600 đến 2.000 cây/ha. Sau cuộc họp của Ban bồi thường, kết quả được thống nhất là nằm ở mức trung bình 1.800 cây/ha. Như vậy, với 2,1 ha đất, ông Cảnh được tính là có 3.770 cây dó bầu được đền bù. Ông Cảnh đồng ý. Nhận tiền đền bù xong, ông tiến hành cưa, đốt cây, giao mặt bằng.
Từ ngày 22 đến 24-2-2012, tức là sau khoảng năm tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng, CQĐT tiến hành xác minh số liệu. Cũng với cách tính lấy mật độ trung bình tính cho diện tích, CQĐT kết luận số cây dó bầu thực tế của ông Cảnh chỉ là 1.602 cây. Như vậy, phần chênh lệch 2.168 cây dó bầu do Ban bồi thường tính đã làm Nhà nước thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Từ đó, CQĐT đã khởi tố, bắt tạm giam hai bị cáo Nhị và Thắng (bị cáo Giao tại ngoại vì có con còn nhỏ).
Nhà nước có bị thiệt hại?
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo đã yêu cầu VKS huyện Cát Tiên rút cáo trạng truy tố. Một luật sư chất vấn: Tại sao CQĐT đo mật độ thì hợp pháp, các bị cáo thì không? Thời điểm CQĐT thực nghiệm hiện trạng là sau năm tháng, sau khi ông Cảnh đã chặt, đốt cây dó bầu, rồi mưa gió, đất cát phủ lên gốc hoặc thân cây cháy ngổn ngang... thì làm sao CQĐT tính chính xác được? Đó là chưa kể trong vườn ông Cảnh còn trồng thêm keo và tre..., làm thế nào CQĐT phân biệt được cây nào là cây dó bầu khi các gốc cây đều bị đốt cháy đen?
Ngoài ra, vốn để thực hiện dự án là vốn vay ODA, mục đích của việc xây hồ Tư Nghĩa là phục vụ dân sinh. Đơn vị quản lý nguồn vốn là UBND huyện Cát Tiên đã ủy quyền cho Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng, không phải là đơn vị kinh tế. Như vậy, VKS truy tố các bị cáo tội cố ý làm trái… liệu đã có cơ sở?
Một tình tiết khá thú vị là ngay sau lập luận của luật sư, đại diện UBND huyện đã đề nghị rút tư cách tố tụng nguyên đơn dân sự của mình trong vụ án (nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại - NV). Diễn biến này làm cho người dự khán phiên tòa cười ồ lên. Các luật sư tiếp tục đặt vấn đề: “VKS nói cần phải thu hồi hơn 500 triệu đồng thu lợi bất chính nhưng không có ai bị thiệt hại thì phải tính sao đây?”.
Về phần mình, ông Lê Quang Cảnh nói số cây dó bầu ông trồng thực tế còn nhiều hơn mức Ban bồi thường đưa ra nhưng ông vẫn chấp nhận. Ông Cảnh mua cây giống, hạt giống về gieo đều có xuất xứ và số lượng rõ ràng nhưng CQĐT và VKS cứ “cố chấp”. “Hơn 500 triệu đồng này là mồ hôi, công sức của cả gia đình tôi, tôi không đồng ý trả lại” - ông Cảnh khẳng định.
Bị cáo Giao cũng nói thực tế Nhà nước không thiệt hại trong vụ án này bởi số cây dó bầu của ông Cảnh trồng còn nhiều hơn mức bồi thường. “Nếu xử lý hình sự chúng tôi một vụ này thì phải xử thêm năm vụ nữa vì với cả sáu hộ dân, chúng tôi đều có cùng một cách tính. Dù chưa đúng, có thể thiệt thòi nhưng người dân vẫn chấp nhận. Nếu thu hồi tiền của ông Cảnh thì cũng phải thu của năm hộ dân khác nữa” - bị cáo Giao nói.
Rất đông người dân dự khán phiên tòa đã đồng tình, thông cảm với các bị cáo khi cho rằng họ đã làm đúng. “Cán bộ và người dân đã có thỏa thuận về mức bồi thường. Dù số lượng được bồi thường chưa hẳn đã hài lòng nhưng người dân đồng ý, Nhà nước không thiệt hại gì, vậy mà họ cũng bị tội. Có lẽ ba cán bộ này là một trong số những người hiếm hoi được dân ủng hộ khi ra tòa” - một người dân nói.
Để bảo lưu quan điểm các bị cáo có tội và bảo vệ cáo trạng, đại diện VKS đã đề nghị tòa phạt các bị cáo từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi tòa tuyên án.
NGUYỄN ĐĂNG