Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, khoảng 16 giờ ngày 19-11, tại tuyến đường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, một phụ nữ tên T. lái ô tô bị CSGT yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, người này không chấp hành hiệu lệnh, CSGT đã đứng trước đầu xe ô tô nhằm không cho bỏ đi nhưng chị này vẫn nhấn ga đẩy CSGT này lùi ra.
Theo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, chiếc xe của người phụ nữ đã hết hạn đăng kiểm. Sau khi dừng được phương tiện, cán bộ của đơn vị đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với nữ tài xế. Do không mang theo giấy tờ xe, CSGT đã tạm giữ phương tiện của người này.
Có thể truy xuất chiếc xe xử lý sau
Theo luật sư Huỳnh Thị Ngọc Xuân (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an thì việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau: An toàn, đúng quy định của pháp luật; Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng tình, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: “Trong trường hợp gặp đối tượng không hợp tác và có biểu hiện chống đối, CSGT cần huy động thêm lực lượng để ngăn chặn hành vi vi phạm. Nếu đối tượng có biểu hiện chống đối quyết liệt thì CSGT cũng không nên ngăn cản đầu ô tô, vì làm như vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Theo tôi, CSGT nên phối hợp với công an, chính quyền địa phương, lập biên bản sự việc để truy xuất xử lý sau”.
Theo các chuyên gia việc CSGT đứng trước đầu ô tô là quá mạo hiểm
Không chấp hành hiệu lệnh: Nhiều cách xử lý
Cũng theo luật sư Hoan thì bà T. có những dấu hiệu vi phạm sau:
Thứ nhất, phương tiện hết hạn kiểm định. Cụ thể, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng nếu: Dưới một tháng thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (điểm c khoản 4 Điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP). Từ một tháng trở lên thì mức phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng (điểm e khoản 5 Điều 16).
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến ba tháng.
Thứ 2, người điều khiển không mang theo: giấy phép lái xe; giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (khoản 3 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Thứ 3, đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông, thì người vi phạm bị xử phạt từ 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng (điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến ba tháng.
Thứ 4, trong video clip còn cho thấy người vi phạm điều khiển ô tô đã đẩy CSGT đi một đoạn đường, có dấu hiệu của hành vi “chống người thi hành công vụ”. Nếu có căn cứ, người vi phạm có thể bị xử lý theo Điều 257 BLHS.
Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Có thể truy đuổi nhưng phải an toàn
Một CSGT tại TP.HCM (xin được giấu tên) chia sẻ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều đối tượng không chấp hành. CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe tuân thủ đúng quy định về hiệu lệnh dừng xe và điều kiện để dừng xe nhưng tài xế vẫn tăng ga bỏ chạy, nhiều trường hợp còn cố tình đâm vào CSGT.
Trong những trường hợp đó, CSGT có thể truy đuổi để dừng xe của người điều khiển vi phạm nhưng phải đảm bảo an toàn, đúng pháp luật. Và khi đã kiểm soát được xe vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt về hành vi ban đầu bị yêu cầu dừng xe, người vi phạm còn phải bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Cạnh đó, vị này cho hay nếu người vi phạm cố tình không chấp hành và có những hành vi cản trở, chống đối CSGT thì có thể bị truy cứu tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật Hình sự.