Không phải KSV, không được tiến hành tố tụng

Như Pháp Luật TP.HCM vừa phản ánh, tại phiên xử sơ thẩm một vụ án hình sự chiều 15-12 của TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai), luật sư của các bị cáo đã đề nghị HĐXX kiểm tra tư cách kiểm sát viên (KSV) của ông PQP (giữ quyền công tố tại phiên tòa). Theo luật sư, ông P. đã tham gia kiểm sát điều tra vụ án từ khi chưa phải là KSV, chưa có quyết định phân công phụ trách vụ án (mãi đến ngày 17-10, VKSND TP Biên Hòa mới có quyết định phân công ông P. làm KSV phụ trách vụ án). Theo luật sư, đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Trong khi đó, KSV P. chỉ trả lời ngắn gọn là ông được cơ quan phân công phụ trách vụ án này. Còn chủ tọa phiên tòa thì cho rằng các bị cáo không đề nghị thay đổi KSV nên tòa vẫn tiếp tục xử. Sau khi kết thúc phiên tòa, nếu các bị cáo và luật sư không đồng ý thì có quyền kháng cáo...

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Vụ việc trên đặt ra một vấn đề pháp lý: Theo quy định, các cán bộ kiểm sát chưa phải là KSV có được tiến hành tố tụng hình sự như một KSV hay không?

Một KSV cấp cao Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao (đề nghị không nêu tên) cho biết trước khi trở thành KSV, người được trúng tuyển (xét tuyển hoặc thi tuyển) vào ngành kiểm sát sẽ phải trải qua một năm tập sự với vai trò là chuyên viên giúp việc cho KSV hoặc theo sự phân công. Sau thời gian tập sự một năm, nếu đủ điều kiện thì chuyên viên được chuyển sang một chức danh khác là kiểm tra viên. Kể từ thời điểm chính thức trở thành kiểm tra viên, sau ba năm nếu đủ các điều kiện theo quy định thì kiểm tra viên sẽ được bổ nhiệm làm KSV.

Theo vị KSV này, không có quy định pháp luật hiện hành nào cho phép người chưa là KSV được thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của KSV, trong đó có nhiệm vụ tiến hành tố tụng hình sự. “Chỉ có KSV mới là chức danh tư pháp, mới được tiến hành tố tụng hình sự theo quyết định phân công của lãnh đạo VKS. Việc chuyên viên hay kiểm tra viên kiểm sát điều tra vụ án, lại chưa có quyết định phân công là hoàn toàn trái quy định. Đây rõ ràng là vi phạm tố tụng nghiêm trọng” - vị KSV này khẳng định.

Một KSV khác của VKSND quận Thủ Đức (TP.HCM) bổ sung: Trên thực tế, chuyên viên, kiểm tra viên có thể tham gia vào một số hoạt động tố tụng hình sự như lấy lời khai, phúc cung lời khai… nhưng chỉ với vai trò giúp việc cho KSV được phân công phụ trách vụ án đó. Họ không có quyền tự mình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự độc lập như là một KSV được.

Lẽ ra phải hoãn xử để VKS khắc phục

Một vấn đề khác: Trong trường hợp cán bộ kiểm sát đã tiến hành tố tụng hình sự trước khi được bổ nhiệm làm KSV và được lãnh đạo VKS ra quyết định phân công phụ trách vụ án thì tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX phải giải quyết sao mới hợp lý?

Một thẩm phán TAND quận Gò Vấp (TP.HCM, cũng đề nghị không nêu tên) cho biết: Với trường hợp vi phạm tố tụng như thế này thì thông thường trong quá trình chuẩn bị xét xử, tòa sẽ trả hồ sơ để VKS khắc phục vi phạm. Còn nếu tại phiên tòa mới phát hiện ra thì HĐXX sẽ hoãn xử, trả hồ sơ cho VKS. Chỉ khi nào vi phạm được khắc phục thì tòa mới đưa vụ án ra xét xử lại.

Đồng tình, luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận định đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cần phải được VKS khắc phục trước khi tòa xét xử. Ở vụ án “chặt cây tràm” nói trên, do HĐXX sơ thẩm vẫn tiếp tục xét xử, tuyên án nên các bị cáo, luật sư có quyền kháng cáo và tòa phúc thẩm sẽ phải xem xét lỗi vi phạm tố tụng này, nếu cần thiết thì phải hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Tóm tắt vụ việc

Chiều 15-12, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã phạt năm bị cáo năm tháng bốn ngày tù (bằng thời gian tạm giam) và trả tự do ngay tại tòa, ba bị cáo khác mỗi người sáu tháng tù treo về tội hủy hoại tài sản.

Tám bị cáo trên bị các cơ quan tố tụng TP Biên Hòa quy kết thuê người chặt 12 cây keo lai (trị giá 10,6 triệu đồng) của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa. Trong khi đó, các bị cáo kêu oan rằng đây là keo lai mọc hoang chứ không phải do trung tâm lâm nghiệp trồng; ở khu vực này cũng có rất nhiều hộ dân đốn keo lai như họ mà không bị ai nhắc nhở, xử lý gì…

Phiên tòa này đã diễn ra khá căng thẳng: Luật sư của các bị cáo đề nghị kiểm tra tư cách của KSV, chỉ đạo trợ lý làm đơn tố cáo thẩm phán chủ tọa “có các hành vi vi phạm tố tụng”… Trong khi đó, KSV thì nhiều lần đề nghị chủ tọa nhắc nhở luật sư vì… cười, có thái độ không nghiêm túc khi KSV đọc bản luận tội. Đến ngày 16-12, phía luật sư đã nộp đơn tố cáo thẩm phán chủ tọa tới các cơ quan chức năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm