Mong chờ lời xin lỗi vì án oan giết người

Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Hải (60 tuổi, ngụ ấp 11, xã Tân Hào, Giồng Trôm, Bến Tre) trình bày: “Tôi được tòa minh oan không phạm tội giết người từ năm 1988 nhưng đến nay tôi vẫn chưa hề được xin lỗi. Cả đời tôi sống trong tủi hổ. Tòa viết án nói tôi không có tội nhưng người đời đâu có biết chuyện đó”.

Chứng cứ ngoại phạm

Oan khiên của ông Hải bắt đầu từ 39 năm trước. Đêm 30-12-1977, không gian tĩnh lặng của ấp 11 bị xé toang bởi tiếng chó sủa rần rần. Mọi người xôn xao, nhắm hướng tiếng chó sủa chạy tới và thấy một phụ nữ nằm bất tỉnh trên nền nhà, máu vương vãi...

Nạn nhân được đưa đi cấp cứu, điều trị hết 28 ngày. Bà xuất viện với sáu vết thương, mất 60% khả năng lao động. Kết quả giám định cho thấy bà bị tác động bởi vật cứng và dao nhọn đến đầu, cổ.

Ông Hải khi đó 20 tuổi, bị công an giữ, căn vặn liên tục: “Không phải mày thì ai! Bữa mày đi phụ chặt cây bắc rạp cưới, mày bắt chó của bả làm thịt. Bả chửi mắng, gia đình rầy la nên mày thù tức...”. Áp lực nặng nề khiến ba tháng sau khi bị bắt, ông Hải nhận đại rằng đã cùng một người nữa chưa thành niên lẻn vào nhà nạn nhân gây án. Từ đó có lúc ông kêu oan, có lúc nhận tội. Sau 17 tháng bị tạm giam, ông được tại ngoại. Ra ngoài, ông lại kêu oan.

Suốt 10 năm, vụ án tưởng bế tắc bởi tang vật theo lời khai nhận tội của ông Hải gồm dao phay, dao nhọn, đèn pin, dao chuối, miếng sắt... đều không được thu giữ. Nếu đúng là ông Hải gây án thì ông không thể cầm hết hung khí như lời khai nhận. Trong khi đó, biên bản hiện trường và giám định vết thương của nạn nhân được mô tả không đủ để đối chiếu với các hung khí mà ông Hải khai.

Chứng cứ kết tội dần phá sản nhưng chứng cứ minh oan thì lộ rõ: Đúng là có việc ông Hải bắt chó của nạn nhân làm thịt nhưng hai bên đã thương lượng bồi thường xong. Bị mẹ la, ông Hải bỏ qua nhà bà Bảy Khỏe ở ấp Bình Thành ở từ trước khi vụ án xảy ra và không rời khỏi đó (từ ấp này đến ấp 11 - nơi xảy ra vụ án phải đi qua hai xã). Đêm xảy ra vụ án, ông đang ở ấp Bình Thành. Bà Bảy Khỏe xác nhận chuyện này. Nhiều người khác, trong đó có nữ công an viên phụ trách ấp 11 cũng lên tiếng về sự có mặt liên tục của ông Hải tại ấp Bình Thành trước và trong đêm xảy ra vụ án.

Ông Hải cặm cụi bên công việc hằng ngày, mòn mỏi mong chờ lời xin lỗi. Ảnh: PL

Kết tội dù không đủ cơ sở

Đến đây, tưởng chừng án oan của ông Hải đã rõ. Tuy nhiên, tháng 7-1987, ông lại bị tạm giam. Ba tháng sau, TAND tỉnh Bến Tre đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Tại tòa, ông Hải phủ nhận lời khai nhận tội tại CQĐT, một mực kêu oan nhưng tòa vẫn kết án ông 14 năm tù và phạt người còn lại năm năm tù về tội giết người (chưa đạt)...

Tại phiên phúc thẩm hồi tháng 12-1988, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng ngoài lời nhận tội tại CQĐT thì không có chứng cứ khác để kết tội ông Hải. Ngay trong lời nhận tội của ông Hải cũng mâu thuẫn với thực tế hành động phạm tội và diễn biến tại nhà nạn nhân. Từ đó, tòa tuyên hai bị cáo không phạm tội và trả tự do cho họ.

“Rời trại tạm giam, tôi không thể tự đi, phải có người dìu. Những năm đầu tôi nằm một chỗ, hai đứa con chỉ trông vào vợ. Rồi tôi cũng gượng dậy làm lụng. Việc nhà nông không lúc nào ngưng tay nhưng kiếm được đồng nào cũng đổ vào thuốc thang hay trả nợ cũ để rồi lại vay thêm nợ mới. Các con tôi vì nhà nghèo, cha bệnh đều dở dang việc học. Mấy mươi năm qua, tôi cứ nhớ đó quên đó. Từng cơn đói lạnh cũng qua. Giờ tôi đã là một ông già mà oan khiên vẫn cứ dai dẳng” - ông Hải ngậm ngùi.

Bị từ chối xin lỗi, bồi thường vì hết thời hiệu

Năm 2011, ông Hải làm đơn yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại vì bị làm oan. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bến Tre trả lời ông rằng đến thời điểm đó đã hết thời hiệu giải quyết yêu cầu của ông. Bởi theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì thời hiệu yêu cầu chỉ là hai năm kể từ ngày có bản án có hiệu lực pháp luật xác định ông Hải bị oan. Nếu ông Hải có chứng cứ chứng minh đã gửi đơn yêu cầu trong vòng hai năm kể từ ngày 17-3-2003 (ngày Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường oan có hiệu lực) mà tòa chưa giải quyết xong thì tòa áp dụng Nghị quyết 388 để giải quyết. Tuy nhiên, ông Hải không cung cấp được chứng cứ này cho tòa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hải cho biết do thiếu hiểu biết pháp luật, ông đã không kịp thời có yêu cầu xin lỗi, bồi thường. “Giờ tôi chỉ mong được trả lại lý lịch trong sạch, được công khai xin lỗi trước bà con xóm giềng bởi đến nay nhiều người vẫn đồn đãi rằng tôi là kẻ giết người. Con cháu tôi đi làm cũng gặp điều tiếng. Tôi phải dặn mấy đứa phôtô bên mình bản án của tôi để có đi đâu, làm gì mà ai không hiểu mình, nghĩ không đúng thì đưa ra cho người ta xem. Tôi chỉ cần lời xin lỗi công khai thôi mà sao khó quá!” - ông Hải buồn bã.

Có lợi cho dân thì nên làm

Tòa áp dụng thời hiệu yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp ông Hải là đúng. Tuy nhiên, phải căn cứ vào thực tế khách quan là ông Hải được tuyên vô tội từ năm 1988 nhưng mãi đến năm 2003 chúng ta mới có Nghị quyết 388 về bồi thường oan. Người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn ở giai đoạn này không biết và không thể biết được những văn bản pháp luật này để yêu cầu xin lỗi, bồi thường. Suy cho cùng, vấn đề này cũng có phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới nhân dân.

Oan khiên mấy chục năm, dễ hiểu ông Hải đã phải ngậm đắng nuốt cay như thế nào. Theo tôi, trước mắt TAND tỉnh Bến Tre nên có những động thái tích cực để sửa chữa sai lầm trong quá khứ như đứng ra vận động giúp đỡ ông Hải về vật chất, đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện khôi phục quyền lợi cho ông và những người dám đứng ra bảo vệ lẽ phải trong vụ án. Về lâu dài, tôi nghĩ ban soạn thảo dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi phải nghiên cứu tới những trường hợp như thế này.

Luật gia ĐỒNG MẠNH HÙNG, Hội Luật gia TP.HCM

Nhiều người bị liên lụy

Trong bản án minh oan cho ông Hải, tòa phúc thẩm kiến nghị: “Suốt từ khi ông Hải bị tình nghi đến khi bị truy tố rồi xét xử ở cấp sơ thẩm, một số người đứng lên bảo vệ sự thật, bảo vệ cho ông Hải tránh bị oan… thì bị cơ quan nơi mình làm việc xử lý kỷ luật. Trong số đó có mẹ của ông Hải và vị nữ công an viên phụ trách ấp 11. Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm phục hồi mọi quyền lợi cho những người dám đấu tranh bảo vệ người bị oan mà phải chịu kỷ luật”. Thế nhưng 28 năm qua không ai trong những người này được phục hồi quyền lợi như tòa kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.