Ngày 7-6 tới, TAND huyện Ea Kar (Đắk Lắk) sẽ mở phiên xử sơ thẩm vụ ông Nguyễn Đình Sơn khởi kiện yêu cầu chính tòa này phải bồi thường thiệt hại vì đã kết án oan ông.
Hành vi không cấu thành tội phạm
Đây là một vụ án oan mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Theo đó, tháng 4-2009, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Ea Kar đã ra quyết định THA, buộc bà Chu Thị Hoa phải trả cho người khác gần 72 triệu đồng… Theo cáo trạng, trong thời gian giải quyết vụ việc, Chi cục THA huyện phát hiện bà Hoa bán 5.000 m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất cho vợ chồng ông Sơn. Cho rằng việc chuyển nhượng này chưa hợp pháp, tháng 12-2009, Chi cục THA đã ban hành quyết định kê biên mảnh đất nói trên để đảm bảo THA.
Ngày 15-12-2009, Chi cục THA huyện lập đoàn cưỡng chế kê biên và giao toàn bộ tài sản bị kê biên cho vợ chồng ông Sơn quản lý, sử dụng cho đến khi có quyết định xử lý của chi cục. Ít ngày sau, chi cục hướng dẫn vợ chồng ông Sơn khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình nhưng họ không làm. Từ đầu tháng 12-2012, ông Sơn đã thuê máy múc vào nhổ cây cà phê, cây ăn quả trên đất, sau đó thuê máy cày về xới đất để chuẩn bị trồng bắp. Tài sản ông Sơn chặt phá, hủy hoại gồm 33 cây nhãn, 10 cây cà phê, năm cây mãng cầu, hai cây vải, hai cây hồng xiêm (tổng giá trị thiệt hại khoảng 88 triệu đồng).
Chi cục THA huyện gửi văn bản đề nghị công an huyện làm rõ hành vi hủy hoại tài sản kê biên của ông Sơn. Tháng 7-2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar khởi tố ông Sơn về tội vi phạm việc kê biên tài sản theo khoản 1 Điều 310 BLHS. Tháng 11-2013, VKS huyện có cáo trạng truy tố ông Sơn. Một tháng sau, TAND huyện Ea Kar xử sơ thẩm tuyên phạt ông Sơn sáu tháng tù, buộc vợ chồng ông phải bồi thường cho Chi cục THA huyện 88 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Sơn, người khởi kiện yêu cầu tòa bồi thường oan gần 836 triệu đồng. Ảnh: H.HÀ
Ông Sơn kháng cáo kêu oan. Tháng 6-2014, TAND tỉnh Đắk Lắk hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Ea Kar xét xử lại vì trong thành phần đoàn cưỡng chế kê biên có một kiểm sát viên sau này tham gia phiên tòa sơ thẩm là không vô tư trong khi thi hành công vụ.
Thụ lý lại, TAND huyện nhận thấy chưa đủ căn cứ buộc tội ông Sơn nên đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tháng 6-2015, sau khi điều tra bổ sung, CQĐT xác định ông Sơn không được Chi cục THA huyện giao tài sản kê biên. Mục đích ông Sơn phá bỏ cà phê kém năng suất trên mảnh đất trên là để trồng cây có năng suất cao hơn. Hành vi của ông không phạm tội vi phạm việc kê biên tài sản nên CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS.
Tòa không chấp nhận bồi thường cao
Nhận được quyết định đình chỉ điều tra nói trên, ông Sơn đã yêu cầu TAND huyện Ea Kar - cơ quan có trách nhiệm xin lỗi, bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước - phải bồi thường tổng cộng các khoản hơn 800 triệu đồng.
Tháng 10-2015, TAND huyện Ea Kar đã mời vợ chồng ông Sơn đến thương lượng bồi thường thiệt hại. Tại buổi thương lượng, ông Sơn trình bày cụ thể các khoản yêu cầu bồi thường như sau: Thiệt hại về vật chất là 740 triệu đồng, tổn thất về tinh thần là gần 67 triệu đồng, chi phí thuê luật sư là 29 triệu đồng, tổng cộng là gần 836 triệu đồng. Tuy nhiên, hai bên đã không thống nhất được mức bồi thường.
Tháng 11-2015, TAND huyện Ea Kar đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Sơn. Theo đó, TAND huyện chỉ đồng ý bồi thường cho ông Sơn tổng cộng gần 44 triệu đồng. Trong đó tổn thất tinh thần là 36 triệu đồng, chi phí thù lao luật sư gần 8 triệu đồng. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, tòa không chấp nhận với lý do vợ chồng ông Sơn không cung cấp được giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất (thực tế trước khi bị vướng vào vòng tố tụng oan, ông Sơn vẫn làm lụng, canh tác, thu hoạch hoa màu trên đất - NV).
Không đồng ý, ngay sau đó ông Sơn đã khởi kiện TAND huyện Ea Kar ra chính tòa này để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.
Tòa xử chính mình, nên chăng? Theo Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 (thẩm quyền và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa án), tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là TAND cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Như vậy, trong vụ việc này, việc ông Sơn lựa chọn TAND huyện Ea Kar để khởi kiện yêu cầu giải quyết bồi thường dù chính tòa này kết án oan ông là đúng với quy định (nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi thiệt hại xảy ra). Khi Bộ Tư pháp tổng kết sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 và chuẩn bị soạn thảo dự thảo sửa đổi luật này, cũng đã có ý kiến đề xuất để đảm bảo tính khách quan, trong trường hợp cơ quan làm oan là tòa cấp huyện nơi người bị oan cư trú, làm việc, nơi thiệt hại xảy ra thì nên quy định giao cho tòa cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm yêu cầu đòi bồi thường. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại, cho rằng còn có tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án. Nếu cứ lo ngại chuyện tòa xử chính mình có khách quan hay không, giả sử tòa cấp tỉnh làm oan thì tòa cấp nào sẽ xử sơ thẩm yêu cầu đòi bồi thường của người bị oan? Bởi lẽ theo pháp luật hiện hành, các tòa cấp cao và các tòa chuyên trách của TAND Tối cao đã không còn thẩm quyền xét xử sơ thẩm. |