Ném điện thoại vào mặt có xúc phạm danh dự?

Mới đây, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm hại giữa bà PTCH với cha con ông NTĐ do bà H. có kháng cáo. HĐXX đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Vũng Tàu, chỉ buộc con trai ông Đ. phải bồi thường cho bà H. 4,3 triệu đồng, không phải xin lỗi.

Sự cố tại công an phường

Trong đơn khởi kiện, bà H. trình bày: Sáng 9-8-2016, Công an phường 6 (nay là phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu) mời gia đình bà và gia đình ông Đ. đến trụ sở để làm việc nhưng bà không biết nội dung làm việc gì. Khoảng 9 giờ, gia đình bà và gia đình ông Đ. đều có mặt tại trụ sở công an phường.

Khi công an mời vào phòng làm việc thì con trai ông Đ. đứng lên, móc ĐTDĐ từ túi quần ra ném vào mặt bà làm bà chảy máu. Khi bà ngã xuống đất thì ông Đ. tiếp tục tiến đến đá vào đầu bà. Sau đó, gia đình bà nhờ công an phường đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, bà xin phép bệnh viện cho về nhà điều trị vì gia đình ít người.

Công an TP Vũng Tàu đã đưa bà H. đi giám định thương tích, kết quả là bà bị tổn hại 2% sức khỏe. Từ đó bà H. khởi kiện ra tòa với hai yêu cầu là buộc cha con ông Đ. bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 9,7 triệu đồng và buộc cha con ông Đ. xin lỗi công khai bà tại tòa vì đã xúc phạm uy tín, danh dự của bà.

Bị đơn là con trai ông Đ. trình bày do chồng bà H. lái xe máy tông vào ông Đ. nên gia đình đã đi trình báo và hôm đó công an phường mới mời hai người đến làm việc. Ông không thuộc thành phần được công an mời nên không có mặt ngay từ đầu. Khi chuẩn bị vào làm việc, ông Đ. bị tăng huyết áp nên mẹ ông mới gọi điện thoại cho ông đến chở cha về đi khám bệnh.

Khi đến nơi, ông thấy gia đình bà H. xán lại gần ông Đ. và có hành vi xúc phạm, xô đẩy nên ông dùng ĐTDĐ ném về phía đám đông, không may trúng phải bà H. Ngay sau đó, ông bị công an phường tạm giữ và bị phạt hành chính. Nay ông thừa nhận có gây thương tích nhưng chỉ đồng ý bồi thường gần 2,5 triệu đồng tiền thuốc cho bà H.

Đồng bị đơn là ông Đ. cho rằng ông không làm gì bà H. nên không đồng ý hai yêu cầu là bồi thường và xin lỗi tại tòa.

Không phải xin lỗi tại tòa

Đầu năm 2018, TAND TP Vũng Tàu xử sơ thẩm vụ kiện. Tại tòa, đại diện theo ủy quyền của con trai ông Đ. đã thay mặt bị đơn xin lỗi bà H. Sau khi nghị án, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà H., buộc con trai ông Đ. phải bồi thường 4,3 triệu đồng, không chấp nhận yêu cầu bị đơn phải công khai xin lỗi tại tòa.

Sau đó bà H. kháng cáo yêu cầu cả cha con ông Đ. phải liên đới bồi thường cho bà hơn 9,7 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn yêu cầu đích danh cha con ông Đ. phải trực tiếp công khai xin lỗi bà trước tòa chứ không chấp nhận cho người đại diện theo ủy quyền của ông Đ. thay mặt xin lỗi.

Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định người phải bồi thường cho bà H. là con trai ông Đ. Về phần ông Đ., không có căn cứ xác định ông có hành vi gây tổn hại sức khỏe cho bà H. nên không có cơ sở để buộc ông phải bồi thường. Bởi lẽ công an phường xác nhận ông Đ. không đá bà H. như bà trình bày. Theo hình ảnh và qua giám định thì bà H. cũng chỉ có một vết thương duy nhất ở phần mặt với tỉ lệ tổn thương là 2%, hoàn toàn phù hợp với việc con trai ông Đ. dùng ĐTDĐ ném trúng mặt bà.

Về mức bồi thường, tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm đã tính đúng. Cạnh đó, tòa phúc thẩm cho rằng đây là vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm hại. Đây không phải là vụ án thuộc diện buộc bị đơn phải công khai xin lỗi theo quy định của pháp luật nên tòa không thể chấp nhận yêu cầu buộc con trai ông Đ. phải công khai xin lỗi bà H.

Tuy nhiên, theo tòa phúc thẩm, việc người có lỗi chủ động xin lỗi người bị thiệt hại cũng là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của con trai ông Đ. đã thay mặt con trai ông Đ. công khai xin lỗi bà H. nên cần ghi nhận thiện chí này.

Không xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm

Theo tôi, hai cấp tòa đã nhận định chính xác khi xác định hành vi ném điện thoại của con trai ông Đ. chỉ phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm hại. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như dùng lời nói, dùng chữ viết, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, lên mạng Internet, diễn ra ở nơi công cộng, trong gia đình…

Theo diễn tiến sự việc thì vì bực mình nên con trai ông Đ. đã ném điện thoại về phía đám đông, không may trúng vào mặt bà H. gây thương tích và phía bị đơn đã thừa nhận lỗi này. Như vậy quan hệ pháp luật chỉ được xem xét giải quyết trong phạm vi bồi thường thiệt hại. Cá nhân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và theo khoản Điều 11 BLDS 2015 thì khi quyền này bị xâm phạm thì họ có quyền yêu cầu người khác buộc phải xin lỗi, cải chính công khai. Nhưng yêu cầu trên chỉ phù hợp khi thỏa mãn những quy định về xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm.

Luật sư NGUYỄN VĂN NHÀN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm