Ngày 30-3, TAND TP.HCM xử phúc thẩm một vụ án đánh bạc.
Theo cáo trạng, vào tháng 2-2016, VMT (SN 1987) thấy có bãi đất trống ở phường Tân Phú (quận 7) nên nảy sinh ý định mở sòng bạc dưới hình thức lắc tài xỉu. Ban đầu, T. trực tiếp cầm cái ăn thua với người đánh bạc, thời gian sau T. giao cho người khác cầm cái, T. thu tiền xâu mỗi giờ 300.000 đồng. Khoảng bốn tháng sau, LTHD (SN 1979, nhà ở đối diện bãi đất trống) xin T. cho tham gia trông coi sòng bài, thu tiền xâu cho T.
Ngày 22-4-2016, T. mang chiếu đến đây gầy sòng bạc, giao cho LVH cầm cái thì bị công an bắt quả tang.
Tháng 12-2017, TAND quận 7 xử T. hai năm ba tháng tù, D. một năm sáu tháng tù và H. một năm chín tháng tù cùng về tội đánh bạc. Ngoài ra, mỗi người còn phải nộp phạt số tiền 10-15 triệu đồng. Hai bị cáo là H. và D. có đơn kháng cáo xin giảm án và được hưởng án treo.
Bị cáo D. (áo đỏ) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TV
Tại phiên tòa phúc thẩm, D. trình bày hiện tại D. không còn sống chung với chồng nữa. Một mình D. phải nuôi ba đứa con nhỏ. Đứa nhỏ nhất mới được sáu tuổi, đứa lớn 10 tuổi. Ba mẹ con đang sống trong một căn phòng trọ tại quận 8. Bà chủ nhà trọ thấy hoàn cảnh khó khăn nên cho D. kê xe bún bò phía trước, buôn bán kiếm sống qua ngày…
Trước đây, D. cũng bán bún bò đối diện sòng bài của T. T. sang nhờ D. vừa bán bún vừa ngó giúp sòng bạc và thu tiền xâu. Tiền công mỗi ngày được 150.000-200.000 đồng. “Thu được chừng 10 ngày thì bị cáo bị bắt, bị tạm giam đến bốn tháng. Các con được bà nội đón về nuôi. Khi được tại ngoại, bị cáo đã đón con về lại. Bị cáo đã biết mình sai và vô cùng hối hận, xin HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo để tiếp tục nuôi con” - D. nói.
Phát biểu quan điểm, đại diện VKS cho rằng bị cáo có ba con, không lo buôn bán, chăm sóc con mà lại đi đánh bạc là người mẹ thiếu trách nhiệm. Chồng bị cáo bỏ đi chắc cũng vì bị bài bạc mà ra… Cạnh đó, vị nữ kiểm sát viên còn đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo cho D. vì D. ra tòa cứ quanh co chối tội. Cụ thể, D. cho rằng các phương tiện đánh bạc là do T. chuẩn bị chứ không phải mình.
Tranh luận lại, luật sư Ngô Văn Quốc (luật sư thuộc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia quận 4, TP.HCM), bào chữa miễn phí cho bị cáo D., cho rằng vì hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật mà bị cáo đã phạm tội. “Trong vụ án này, D. hưởng lợi số tiền rất nhỏ, chỉ mới 2 triệu đồng. Bị cáo không rành chữ nghĩa, chỉ biết là có sao khai vậy chứ không phải quanh co chối tội. Dân đánh bạc vì sợ nhà cái gian lận nên thông thường họ tự mang theo dụng cụ đến, D. khai mình không chuẩn bị phương tiện là có cơ sở” - luật sư phân tích.
Đối đáp lại, nữ kiểm sát viên vẫn cho rằng D. quanh co chối tội, đề nghị HĐXX không cho bị cáo hưởng án treo.
HĐXX vào nghị án, chị D. thút thít ngồi khóc. Người dự khán thì thầm: “Cầu cho chị D. được treo đi, chứ tội có đáng gì đâu!”.
Anh thư ký phiên tòa cũng quay sang thắc mắc với kiểm sát viên: “Chi tiết nhỏ đó đâu ảnh hưởng gì đến tội danh đâu chị? Bản chất là chị D. vẫn nhận tội chứ đâu chối tội”. Nữ kiểm sát viên vẫn lắc đầu, bảo lưu quan điểm.
Cuối cùng, HĐXX đã quyết định áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho chị D. là thành khẩn khai báo. Theo HĐXX, bị cáo D. có nghề buôn bán, có nơi ở ổn định, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng… là đủ các điều kiện để được hưởng án treo. Từ đó, HĐXX quyết định giữ nguyên mức án một năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là ba năm. Phần kháng cáo, bị cáo H. không được HĐXX chấp nhận.