Vi phạm thời hạn giao nộp chứng cứ trong tố tụng trọng tài: Cần bổ sung chế tài

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng cần bổ sung chế tài chặt chẽ để kiểm soát thời hạn giao nộp chứng cứ trong tố tụng trọng tài, nhằm ngăn chặn trì hoãn và đảm bảo quy trình xét xử công bằng, minh bạch.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-3, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Kiểm soát thời hạn giao nộp chứng cứ trong tố tụng trọng tài”.

Hội thảo diễn ra dưới sự điều phối của PGS. TS Võ Trí Hảo (Chuyên gia, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) và Luật sư Châu Việt Bắc (Phó Giám đốc VIAC Chi nhánh TP.HCM).

Khó đảm bảo đúng thời hạn

Tại buổi hội thảo, bà Ủ Thị Bạch Yến, nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế - TAND TP.HCM, Trọng tài viên VIAC, trình bày tham luận xoay quanh nội dung kiểm soát thời hạn cung cấp chứng cứ từ quy định đến thực tiễn.

Theo bà Yến, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về thời hạn giao nộp chứng cứ nhằm đảm bảo các hoạt động tố tụng diễn ra theo đúng trình tự, phát hiện và điều chỉnh kịp thời các sai lệch. Việc này góp phần nâng cao hiệu suất và hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, đảm bảo thời hạn thu thập chứng cứ theo đúng quy định pháp luật là một thách thức lớn.

giao nộp chứng cứ
Bà Ủ Thị Bạch Yến trình bày tham luận.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xét xử các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, bà Ủ Thị Bạch Yến chia sẻ thực tế rất khó để đảm bảo được thời hạn thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, thẩm phán phải chủ động thường xuyên kiểm soát các thủ tục, thời hạn thu thập chứng cứ được thực hiện đúng và nhanh chóng nhất có thể.

Một ví dụ điển hình được bà Yến đưa ra là vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Khi cần giám định chữ ký của một bên đương sự, cơ quan chuyên môn chỉ có thể thực hiện khi có quyết định trưng cầu giám định từ tòa án. Tuy nhiên, thời gian hoàn tất giám định lại phụ thuộc vào cơ quan chuyên môn, và tòa án không thể ấn định thời hạn cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian xét xử vụ án.

giao-nop-chung-cu-h2.JPG
Toàn cảnh Hội thảo chủ đề “Kiểm soát thời hạn giao nộp chứng cứ trong tố tụng trọng tài”.

Tại hội thảo, PGS. TS Võ Trí Hảo thảo luận về thực trạng quản lý thu thập chứng cứ trong tố tụng trọng tài. Ông cho rằng, trung tâm trọng tài hiện nay không có nhiều quyền hạn trong việc buộc các bên cung cấp chứng cứ đúng thời hạn. Trong tố tụng trọng tài, thời hạn giao nộp chứng cứ không được quy định rõ ràng mà phụ thuộc vào các luật liên quan, trong đó có Bộ luật Tố tụng dân sự.

Theo ông Hảo, trên thực tế, nhiều luật sư đại diện cho khách hàng đã sử dụng các “chiến thuật” nhằm trì hoãn việc cung cấp chứng cứ, tạo áp lực lên Hội đồng Trọng tài (HĐTT) cũng như các bên tranh chấp khác. Để hạn chế tình trạng này, HĐTT buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát và hạn chế lạm dụng tố tụng.

Cần có chế tài nghiêm ngặt

Trình bày tham luận về chế tài khi không giao nộp chứng cứ đúng hạn, TS Lê Nguyễn Gia Thiện - Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Phó Trưởng Khoa Luật - UEL, cho biết hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt tài chính đối với hành vi vi phạm thời hạn cung cấp chứng cứ, cũng như chưa có chế tài đối với người đại diện pháp lý hoặc luật sư của các bên liên quan. Do đó, cần có các quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Phân tích sâu hơn, LS Nguyễn Thị Thanh Minh (Trưởng bộ phận giải quyết tranh chấp, ACSV Legal) cho rằng việc kiểm soát thời hạn giao nộp chứng cứ là yếu tố quan trọng giúp HĐTT đảm bảo nguyên tắc giải quyết tranh chấp hiệu quả và tiết kiệm, tránh phát sinh chi phí và thời gian không cần thiết cho các bên.

giao-nop-chung-cu-trong-tai.JPG
LS Nguyễn Thị Thanh Minh, Trưởng bộ phận giải quyết tranh chấp, ACSV Legal.

Trong trọng tài quốc tế, HĐTT có thể áp dụng nhiều biện pháp chế tài đối với bên vi phạm thời hạn giao nộp chứng cứ, tùy theo mức độ ảnh hưởng của hành vi này. Một số biện pháp phổ biến gồm: Gửi văn bản khiển trách hoặc cảnh cáo cho bên vi phạm, phân bổ chi phí trọng tài theo hướng bất lợi cho bên vi phạm, buộc bên vi phạm phải chịu chi phí lớn hơn...

"Tuy nhiên, tại Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại 2010 chưa có quy định cụ thể về chế tài trong trường hợp chậm trễ nộp chứng cứ. Luật hiện tại chỉ quy định rằng HĐTT có quyền yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ hoặc đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ, nhưng chưa trao quyền cho HĐTT áp dụng chế tài đối với các hành vi chậm trễ", LS Minh cho biết.

Từ đó, bà Minh kiến nghị Luật Trọng tài thương mại cần sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng chế tài phù hợp với từng tình huống tranh chấp cụ thể. Việc này không chỉ giúp nâng cao tính răn đe, mà còn đảm bảo quá trình tố tụng trọng tài diễn ra công bằng, minh bạch và hiệu quả hơn.

Quản lý chứng cứ: Cân bằng giữa tốc độ và sự thật trong tố tụng

Dù ở vai trò luật sư hay “người phán xử” thì quản lý chứng cứ được xây dựng cần dựa trên điểm cân bằng giữa một số nguyên tắc. Phán quyết, quyết định về vụ án phải dựa trên sự thật khách quan. Bên cạnh đó, công lý đòi hỏi phải nhanh chóng. Một phán quyết phù hợp công lý sẽ trở nên vô nghĩa hoặc giảm giá trị, nếu nó được ban hành quá muộn, khi tất cả những người liên quan tranh chấp đều đã qua đời.

giao-nop-chung-cu-h66.JPG
PGS. TS Võ Trí Hảo

Ngoài ra, các phán quyết phải tạo “bình an pháp luật” làm tiền đề cho ổn định xã hội. Với nguyên tắc này, nhà lập pháp, nhà lập quy, các trung tâm trọng tài bắt đầu phải vận dụng để tìm ra điểm cân bằng, hài hoà giữa nguyên tắc nhanh chóng và nguyên tắc tôn trọng sự thật tới cùng. Và ở đây bắt đầu thể hiện vai trò của những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc quản lý chứng cứ để tuân thủ đúng pháp luật.

PGS. TS Võ Trí Hảo, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM

Đừng bỏ lỡ

Bản tin trưa: Chạy đua cứu hộ nạn nhân động đất Myanmar; Bắt tài xế xe khách lao xuống vực ở đèo Bảo Lộc

Bản tin trưa: Chạy đua cứu hộ nạn nhân động đất Myanmar; Bắt tài xế xe khách lao xuống vực ở đèo Bảo Lộc

(PLO)- Động đất Myanmar: Chạy đua cứu người khi 'cánh cửa vàng' khép lại; Việt Nam cùng quốc tế chung tay hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất; Tạm giữ tài xế vụ xe khách lao xuống vực ở đèo Bảo Lộc; Cặp đôi nhiều lần trộm tiêu của người dân đang phơi đem bán; Bắt tài xế dùng gậy bóng chày đánh người chở bé gái đi học ở Bình Dương.

Đọc thêm