Ngày 30-3, TAND tỉnh Lâm Đồng xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Long Vân, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Lạt, ba năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội ra quyết định trái pháp luật. Ngoài ra, tòa còn buộc Chi cục THADS TP Đà Lạt, Lâm Đồng bồi thường cho bị hại là bà Phạm Thị Hồng hơn 17 tỉ đồng.
Luật sư: Bị cáo bị oan
Đây là vụ án đã kéo dài nhiều năm bởi xung đột pháp lý khi cơ quan tố tụng liên tục thay đổi tội danh truy tố đối với bị cáo. Vụ án từng bị tòa hoãn xử và trả hồ sơ điều tra bổ sung vì nhiều lý do khác nhau.
Tại phiên tòa hôm qua, bị cáo Vân khai: “Quá trình tổ chức kê biên và định giá có sai nhưng không ảnh hưởng gì tới thiệt hại, đương sự được tham gia có ý kiến nhưng không được quyết định về định giá. Do đó, tôi mong HĐXX công minh, khách quan khi đánh giá, xem xét vụ án của tôi”.
Bà Phạm Thị Hồng (được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án) cho biết không yêu cầu bồi thường. Theo bà, thời điểm bán đấu giá, cơ quan THADS TP Đà Lạt không tống đạt quyết định kê biên và mời tham gia buổi định giá tài sản mà lại đưa cho kế toán của bà. Nhưng sau đó người kế toán đã không thông báo cho bà biết. Từ đó tới nay bà vẫn đang ở tại nơi có tài sản đã bán đấu giá.
Luận tội, đại diện VKSND tỉnh Lâm Đồng đề nghị HĐXX phạt bị cáo 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách năm năm, cấm đảm nhiệm chức vụ 2-3 năm. VKSND cũng đề nghị tòa tuyên buộc Chi cục THADS TP Đà Lạt bồi thường hơn 17 tỉ đồng cho bà Hồng.
Bị cáo Nguyễn Long Vân tại tòa. Ảnh: N.NGA
Tại tòa, đại diện Chi cục THADS TP Đà Lạt không chấp nhận bồi thường số tiền trên. Lý do, bị cáo đã thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đúng quy định pháp luật, thậm chí việc định giá còn cao hơn so với giá mà UBND tỉnh đưa ra.
Ba luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Vân đều cho rằng hành vi của bị cáo không cấu thành tội ra quyết định trái pháp luật, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội. Theo các LS, tội này phải là có lỗi cố ý trực tiếp và có động cơ như tư lợi, bị ai xúi giục… nhưng CQĐT không chứng minh được. Dù trong hội đồng định giá có thiếu thành phần là đại diện văn phòng đăng ký đất đai nhưng không gây ra hậu quả, không ảnh hưởng đến việc định giá tài sản.
Việc hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuê một công ty không phải là cơ quan giám định tư pháp làm căn cứ cho việc thẩm định lại là chưa bảo đảm. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự nhầm lẫn giữa trách nhiệm của tập thể hội đồng do ông Vân làm chủ tịch trong việc xác định thiệt hại. Theo đó chưa đủ căn cứ xác định ông Vân cố ý ra quyết định trái pháp luật, mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra đối với bà Hồng.
Tòa: Có tội
Theo các LS, thực tế bà Hồng vẫn đang cầm giữ tài sản bị kê biên trong quá trình THA, hưởng lợi từ việc kinh doanh, khai thác mặt bằng. Trong khi đó Công ty Phương Trang Đà Lạt là người mua trúng đấu giá ngay tình và đúng pháp luật đến nay chưa nhận được tài sản. Thậm chí các cơ quan trung ương và VKSND Tối cao còn xác định không có căn cứ để hủy kết quả đấu giá. Vì thế chính Công ty Phương Trang Đà Lạt mới là người bị thiệt hại trong vụ án này…
LS của bà Hồng thống nhất tội danh mà cáo trạng truy tố đối với ông Vân nhưng cho rằng cơ quan tố tụng xác định bà Hồng là người liên quan là không đúng. Tòa xác định Chi cục THADS là bị đơn nhưng lại không xác định ai là nguyên đơn...
Phía Công ty Phương Trang Đà Lạt (người mua trúng đấu giá tài sản) thì bức xúc: “Rất nhiều lần các cơ quan THA lên kế hoạch bàn giao tài sản mua trúng đấu giá cho chúng tôi nhưng mà cứ hứa hẹn nhiều lần. Dù tài sản này chúng tôi đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp quyền sử dụng đất nhưng 10 năm qua không được sử dụng, đề nghị giao ngay tài sản cho chúng tôi. Không thể cho rằng bà Hồng bị thiệt hại được, chúng tôi mới là người bị thiệt hại. Ai là người phải bồi thường cho chúng tôi đây?”. Tranh luận lại, đại diện VKS cho rằng vấn đề này đề nghị giải quyết ở giai đoạn THA.
Cuối cùng, HĐXX nhận định LS của bị cáo cho rằng quá trình tổ chức THA có sai sót nhưng bị cáo không mong muốn hậu quả xảy ra là không có căn cứ. Việc bà Hồng đề nghị hủy kết quả bán đấu giá là không có căn cứ mà phải bảo vệ người mua ngay tình là Công ty Phương Trang Đà Lạt. Cơ quan THA có trách nhiệm bàn giao tài sản cho Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi phiên tòa kết thúc, trao đổi với PV về việc có kháng cáo bản án hay không, bị cáo Vân nói đang suy nghĩ và sẽ có quyết định sau. Trong khi đại diện Chi cục THADS TP Đà Lạt cho biết sẽ về báo cáo với cấp trên, tổ chức chỉ đạo sao thì làm vậy.
7 năm loay hoay tội danh Như Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh, tháng 7-2008, bị cáo Vân là phó trưởng THA TP Đà Lạt (nay là Chi cục THADS TP Đà Lạt) được giao tổ chức thi hành cho hai bản án mà bà Hồng phải có nghĩa vụ trả nợ với tổng số tiền hơn 48 tỉ đồng. Để thi hành, bị cáo Vân đã kê biên bán một phần diện tích đất của bà Phạm Thị Hồng, người mua trúng đấu giá là Công ty Phương Trang với số tiền hơn 37 tỉ đồng (cao hơn giá khởi điểm khoảng 50 triệu đồng). Cơ quan điều tra kết luận: Tổng tài sản của bà Hồng là hơn 54 tỉ đồng nhưng ông Vân ủy quyền bán chỉ được hơn 37 tỉ đồng là gây thiệt hại cho bà Hồng hơn 17 tỉ đồng. Năm 2011, ông Vân bị CQĐT VKSND Tối cao khởi tố về tội ra quyết định trái pháp luật. Năm 2014, VKS chuyển sang truy tố ông về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS (có hình phạt 3-12 năm tù). Sau đó TAND tỉnh Lâm Đồng đã ba lần trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung theo hướng quy kết ông Vân gây thiệt hại hơn 17 tỉ đồng là không có cơ sở. Năm 2017, bất ngờ CQĐT lại quay về truy tố tội danh ban đầu là tội ra quyết định trái pháp luật (có khung hình phạt 5-10 năm). |