Có nên giao cho tòa án ra quyết định thi hành án dân sự?

(PLO)- Tại hội thảo, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất thẩm quyền ra quyết định thi hành án được chuyển từ cơ quan thi hành án dân sự sang tòa án nhân dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (28-3), Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, tổ chức Hội thảo "Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025".

thi hành án
Ban chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: YC

Đề xuất TAND ra quyết định thi hành án

Tại hội thảo, ThS. NCS Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM) trình bày mối liên hệ giữa TAND và cơ quan thi hành án dân sự (THADS) thông qua Luật THADS và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nói về điểm mới của dự thảo Luật, theo ông Phước, Điều 16 dự thảo đã quy định TAND sẽ ra quyết định thi hành án đối với các bản án, quyết định... Như vậy, thẩm quyền ra quyết định thi hành án được chuyển từ cơ quan THADS sang TAND.

Theo ông Phước, về vấn đề này, thực tiễn xây dựng Luật THADS có ba phương án. Thứ nhất, giao cho tòa án ra quyết định thi hành án, còn các quyết định khác do cơ quan THADS thực hiện. Thứ hai, giao cho tòa án ra các quyết định liên quan trực tiếp đến việc thi hành án, làm dừng và thay đổi nội dung bản án, quyết định của tòa án. Thứ ba, cơ quan THADS ra quyết định thi hành án và các quyết định khác để tổ chức thi hành.

Dự thảo được xây dựng theo phương án hai, thể hiện tại Điều 78 dự thảo. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND là ra quyết định thi hành án, quyết định xử lý tài sản, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan...

Cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong THADS, tòa án có nhiệm vụ chủ động ra quyết định thi hành án (Điều 15 Dự thảo); ra quyết định thi hành án (Điều 16 Dự thảo)...

thi-hanh-an-yen.jpg
ThS. NCS Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM) trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: UL

Tuy nhiên, ông Phước cho rằng phương án một cũng có một số điểm hợp lý. Đó là việc giao cho tòa án là cơ quan ra quyết định THADS bảo đảm sự thống nhất trong quy định của luật TTHS, TTHC và TTDS về quy định cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Việc tòa án ra quyết định THADS là căn cứ bảo đảm cho các bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành nhằm bảo đảm hiệu lực thực tế nội dung của bản án, quyết định do tòa án ban hành... Cạnh đó, qua nghiên cứu cho thấy điều này cũng phù hợp với các nước trên thế giới.

thi-hanh-an-co-yen.jpg
PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến (Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Sài Gòn) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Ngược lại, PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến (Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Sài Gòn) không ủng hộ đề xuất tòa án ra quyết định thi hành án. Theo bà Yến, quy trình giải quyết một tranh chấp có hai giai đoạn. Giai đoạn “chốt” lại tranh chấp đó là bản án, quyết định đã có hiệu lực của toà, giai đoạn tiếp theo là thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực đó. Nếu đưa việc ban hành các quyết định thuộc giai đoạn thi hành án cho toà án thì sẽ phát sinh thêm thủ tục, phức tạp thêm vấn đề và kéo dài thời gian thi hành án.

PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến cho rằng thẩm quyền của toà án chỉ ra quyết định khi nào có tranh chấp, còn sau đó thì cơ quan thi hành án cứ thực hiện.

Nếu một bản án thuộc về lĩnh vực hành chính và hình sự thì toà án sẽ ra quyết định thi hành án bởi vì liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước, trật tự công cộng. Còn câu chuyện dân sự cốt ở đôi bên, ngay cả giai đoạn thi hành án vẫn vậy. Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án chủ động chủ yếu liên quan đến lợi ích nhà nước, còn các quyết định thi hành án thuộc về tự nguyện là quyền của chủ thể. Khi nào người phải thi hành án không tự nguyện thì người được thi hành án sẽ yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, đây mới đúng với bản chất của quan hệ.

"Ở đây, quan trọng nhất là khi đã trao cho cơ quan thi hành án thi hành bản án thì phải cho họ quyền chủ động trong các quyết định, miễn là tuân thủ những nguyên tắc không xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Bây giờ mà cứ trao qua, trao lại thì sẽ kéo dài và phức tạp. Vậy thì ai sẽ là người chịu hệ quả của sự kéo dài đấy và phức tạp đấy?", bà Yến nêu vấn đề và cho rằng chính là người dân phải chịu hệ quả đó.

Giữ hay chuyển cũng phải đảm bảo quyền của người dân

Ông Hồ Quân Chính (Trưởng bộ môn Đào tạo thi hành án Học viện tư pháp cơ sở TP.HCM) cũng cho rằng nên giữ nguyên như hiện nay là cơ quan thi hành án vẫn là cơ quan ra quyết định thi hành án và bổ sung thêm thẩm quyền của trưởng văn phòng thừa phát lại về việc ra quyết định thi hành án.

Theo ông Chính, mục đích sửa luật là vì lợi ích của người dân chứ không phải vì lợi ích của cơ quan nhà nước. Ở giai đoạn thi hành án phải đảm bảo bản án được thi hành một cách nhanh chóng, hiệu quả. Việc trao qua trao lại thẩm quyền ra quyết định thi hành án giữa các cơ quan rất mất thời gian và người bị thiệt hại vẫn chính là người dân.

Theo ông Chính, ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Pháp... thẩm phán ra quyết định thi hành án là do họ có thẩm phán chuyên trách về thi hành án, có thủ tục giải quyết các tranh chấp trong thi hành án. Vì vậy việc ra quyết định và giải quyết rất nhanh chóng. Còn nước ta chưa có thẩm phán chuyên trách. Một số nước theo hệ thống thông luật như Hoa Kỳ, thẩm phán ra quyết định nhưng cơ chế thi hành khác, không phải cơ quan thi hành án thi hành mà là cảnh sát trưởng tổ chức thi hành án.

GS.TS Đỗ Văn Đại (Hiệu phó Trường ĐH Luật TP.HCM) thì cho rằng cần xem xét việc chuyển sang tòa án có lợi gì cho người dân, có giúp cho người thi hành án sớm được thi hành án hay không. Nếu vì chưa có thẩm phán chuyên trách thì chúng ta có thể đào tạo chứ không nên vì lý do này mà không ghi nhận. Cái quan trọng nhất là giải quyết nhanh chóng cho người dân.

TS Sỹ Hồng Nam (Phó Chánh văn phòng TAND TP.HCM) thì cho rằng phải hiểu đúng Điều 16 dự thảo. Ở đây, tòa án ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án hay thừa phát khi thực hiện vẫn không ảnh hưởng đến quyền lực nhà nước, đây chỉ là thi hành “lệnh” của tòa. Tòa án không thực hiện thay nhiệm vụ của cơ quan thi hành án. Tòa án chỉ ra quyết định còn việc tổ chức thi hành thuộc về thi hành án hay thừa phát lại.

thi-hanh-an-1.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Có những bản án không thể thi hành được

Thi hành án và thừa phát lại cạnh tranh lành mạnh trong việc tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, thừa phát lại thi hành lại để cho cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án thì việc có sai phạm dẫn đến khiếu nại sẽ rất khó giải quyết?

Trên thực tế có những phán quyết trong bản án khi yêu cầu thi hành án lại không thể thi hành được. Lúc này, chấp hành viên phải gửi văn bản yêu cầu tòa án giải thích và việc giải thích bản án trong những trường hợp này là rất khó. Có trường hợp gửi văn bản từ tháng 10-2024 nhưng đến nay vẫn không có trả lời, đó là sự bất tiện.

Vì vậy, việc giao cho thẩm phán ra quyết định thi hành án sẽ giải quyết được vấn đề đó vì chính thẩm phán là người ra quyết định thi hành án. Vì vậy, tôi ủng hộ với đề xuất giao cho tòa án ra quyết định thi hành án.

Luật sư Phạm Quang Giang, nguyên Trưởng một văn phòng thừa phát lại tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm