Sáng 1-6, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử nhóm sáu đối tượng gồm Zheng Zhu En, Zheng Ke Xi (cùng ngụ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), Nguyễn Văn Thiên (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), Đinh Văn Đạt, Nguyễn Văn Trung (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), Nguyễn Văn Doanh (ngụ huyện Đại Từ, Thái Nguyên) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: KL
Theo cáo trạng, cuối năm 2014, Thiên câu kết với A Trần (quốc tịch Trung Quốc, đang bỏ trốn) hướng dẫn Doanh, Đạt, Trung, Hằng (phiên dịch viên, đang bỏ trốn), Hương và Lợi (đang bỏ trốn) tổ chức đường dây lừa đảo.
A Trần lập tổng đài ở Phúc Kiến, Trung Quốc và phân công nhóm giả danh nhân viên tổng đài bưu điện gọi đến các chủ thuê bao cố định, lấy lý do các chủ thuê bao nợ cước điện thoại với số lượng lớn để khai thác thông tin. Sau đó giả danh công an, điện thoại cho chủ thuê bao cáo buộc những người này liên quan đến đường dây tội phạm, khai thác xem chủ thuê bao có tiền gửi ở các ngân hàng hay không.
Nếu chủ thuê bao có tiền gửi ngân hàng thì nhóm này sẽ chuyển máy cho Thiên. Thiên giả danh là cấp trên, yêu cầu chủ thuê bao chuyển tiền vào tài khoản do Thiên chỉ định để xác minh nguồn thu nhập, nếu xác định thu nhập chính đáng sẽ chuyển lại trong 24 giờ.
Cùng với nhóm của Thiên, A Trần phân công người Trung Quốc thuê phòng nghỉ tại khách sạn làm nhiệm vụ nhận thẻ ATM, đi rút tiền khi đồng bọn lừa đảo được.
Với thủ đoạn nêu trên, nhóm này đã thực hiện trót lọt bốn vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 3,7 tỉ đồng. Trong đó, người mất nhiều nhất là ở TP Vũng Tàu, bị lừa hơn 1,5 tỉ đồng.
Bị cáo Thiên tại phiên tòa sáng 1-6. Ảnh: TK
Tại phiên tòa, bị cáo Thiên khai nhận làm nghề tự do. Tháng 11-2014, Thiên ra Móng Cái, Quảng Ninh để sang Quảng Tây, Trung Quốc tìm mua cỏ nhân tạo về xây dựng.
Tại một quán cơm có đông người Việt Nam ghé ăn, Thiên gặp A Trần (quốc tịch Trung Quốc). Thông qua người phiên dịch, A Trần đã hỏi han và mời Thiên sang Trung Quốc làm công ty của A Trần. Thiên nhận lời. Thiên đã rủ thêm Đạt, Trung, Doanh, Lợi, Thắng đi sang cùng.
Sau đó nhóm của Thiên được A Trần đưa tới tỉnh Phúc Kiến ở một phòng trên lầu sáu của chung cư. Tại đây có một số người khác quốc tịch Trung Quốc. Hơn một tuần đầu tiên A Trần cho các đối tượng ăn chơi, nghỉ ngơi để quen với thời tiết, ăn uống. Tiếp theo A Trần đưa cho Thiên cùng các đối tượng khác một tập tài liệu bằng tiếng Việt để học thuộc. Tập tài liệu này gồm ba phần, trong đó phần đầu dạy về giả danh tổng đài điện thoại. Hai phần sau là giả danh công an. Khi các đối tượng đã nắm kỹ thủ đoạn lừa đảo thì được A Trần cho thực tập.
Theo Thiên, có một máy quét tự động được cài đặt sẵn để gọi bất kỳ vào số điện thoại bàn cố định tại Việt Nam. Khi người bị hại ở Việt Nam nhấc máy sẽ nhận được một đoạn thoại tự động với nội dung họ đang vướng vào một khoản nợ lớn, nếu thắc mắc thì bấm phím 0 để được nhân viên trả lời. Khi người bị hại thắc mắc, cuộc thoại này sẽ được chuyển cho đối tượng giả danh nhân viên tổng đài. Nhân viên này sẽ có nhiệm vụ khai thác tên tuổi, địa chỉ của người bị hại. Sau đó sẽ chuyển thông tin ngay cho Thiên và các đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh công an, kiểm soát viên. Các đối tượng cho người bị hại hay tài khoản ngân hàng của họ sẽ bị khóa và cần nộp tiền vào số tài khoản của các đối tượng để mở. Khi người bị hại đi rút tiền, trên đường tới ngân hàng gửi tiền, Thiên mới cho số tài khoản để chuyển.
Những số tài khoản để chuyển tiền là do Thiên nhờ các đối tượng khác tên Doanh, Thắng (hàng xóm của Thiên tại Việt Nam) mở ở ngân hàng. A Trần sẽ điều phối một số đối tượng khác tại Việt Nam rút tiền trong tài khoản. Các bị cáo làm việc cho A Trần được trả lương hằng tháng khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra với từng "phi vụ" lừa lấy được tiền thành công, các bị cáo sẽ được chia thêm 2%-3% số tiền.
Các bị cáo khác thừa nhận lời khai của bị cáo Thiên tại tòa đã tương đối đầy đủ.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục...