Tội phạm lợi dụng công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp. Kẻ lừa đảo thông qua các trang mạng xã hội giả chuyển tiền, quà có giá trị lớn về Việt Nam, đánh vào lòng tham rồi dẫn dụ bị hại chuyển tiền thanh toán cước phí, thuế… để chiếm đoạt. Việc giả mạo công an lừa đảo qua điện thoại xuất hiện trở lại nhưng với phương thức, thủ đoạn mới, đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn… Ngày 29-7, báo cáo với Ban Pháp chế HĐND TP.HCM về tình hình hoạt động trong sáu tháng đầu năm, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết như trên.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, tại buổi làm việc ngày 29-7. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Theo Thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM, trong số tin báo tố giác tội phạm gửi về cơ quan CSĐT thì gần một nửa là tin báo tố giác về tội phạm công nghệ cao. Công an đã phổ biến đến tận phường/xã những thủ đoạn của bọn lừa đảo lợi dụng công nghệ cao nhưng công tác phòng, chống vẫn còn khó khăn. “Công an gặp khó khăn trong việc xác minh thông tin tài khoản ở ngân hàng và thông tin các chủ thuê bao ở viễn thông. Các cơ quan hầu như không cung cấp thông tin dù công an có sao gửi quyết định khởi tố, văn bản đề nghị nhưng các cơ quan này vẫn không trả lời” - ông Lợi nói.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho hay là cơ quan điều tra yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có liên quan đến tội phạm hình sự phải cung cấp tài liệu nhưng không được phối hợp. “Một số doanh nghiệp, ngân hàng, viễn thông cung cấp các dịch vụ cho người nhân thân không rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm” - ông Minh nói.
Một bị can lừa đảo qua điện thoại bị công an bắt giữ. Ảnh: N.Tân
Tướng Minh cũng cho biết để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an TP đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phải khuyến cáo các ngân hàng khắc phục sơ hở của mình; Sở TT&TT TP cũng kiến nghị Bộ TT&TT siết quản lý lai lịch của người dùng thuê bao điện thoại di động trên phạm vi toàn quốc. Công an TP đã thông báo cho tất cả ngân hàng thương mại trên địa bàn TP có phòng giao dịch phải dán cảnh báo, yêu cầu nhân viên giao dịch khuyến cáo cho khách hàng khi họ tự rút hết tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm để gửi vào một tài khoản lạ nhưng nhân viên các ngân hàng không thực hiện yêu cầu này.
Cũng tại buổi làm việc, cơ quan CSĐT cũng thông tin trong sáu tháng qua đã phát hiện 17 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. PC46 chỉ mới khởi tố sáu vụ với 10 bị can, tăng hai vụ so với cùng kỳ năm 2015. Điển hình là vụ Phan Văn Khang - chồng của nữ thư ký TAND TP.HCM bị Công an TP.HCM bắt quả tang về hành vi làm môi giới hối lộ. Hay vụ án Lê Dũng (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn, Infoodco, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) và cùng các cán bộ hải quan chiếm đoạt gần 126 tỉ đồng của Nhà nước.
Sáu tháng đầu năm 2016, lực lượng CSĐT Công an TP.HCM đã thụ lý 7.404 vụ, 8.255 bị can với 5.713 vụ án hình sự, 360 vụ án kinh tế, 16 vụ án tham nhũng, 1.140 án ma túy... Tổng xử lý 4.839 vụ, đạt tỉ lệ 65,36%; đề nghị truy tố 2.817 vụ, đình chỉ điều tra 59 vụ. Hiện CSĐT Công an TP đang thụ lý 2.565 vụ, 3.455 bị can. |