Can ngăn đánh nhau bằng liềm (?)

Mới đây, ông Nguyễn Văn Vân ngụ Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) vừa gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng vì cho rằng ông bị khởi tố sai. Theo ông, khi thấy hai người đánh nhau, ông từ xa chạy đến nhiệt tình can ngăn nhưng sau đó lại bị truy cứu với vai trò đồng phạm cố ý gây thương tích...

Gây thương tật 5%

Theo hồ sơ, do giành nhau nước tưới thanh long, ngày 18-3-2009, ông Nguyễn Nam đã đánh vào mặt ông Trần Văn Hồng. Nghe vợ ông Hồng kêu cứu, ông Vân đang cắt cỏ cách đó hơn 200 m đã chạy đến can ngăn. Khi đến, ông Vân cầm cây liềm...

Sau đó, ông Nam bị cơ quan điều tra Công an TP Phan Thiết khởi tố về tội cố ý gây thương tích do đánh ông Hồng bị thương tật hơn 14%. Còn ông Vân là người vô can. Đọc kết luận điều tra, ông Nam phát hiện có 5% thương tật của ông Hồng do vật có cạnh sắc gây ra trong khi ông chỉ dùng tay để đánh nạn nhân. Ông liền làm đơn khiếu nại việc này. Theo ông Nam, nếu trừ 5% thương tật này không phải do ông gây ra thì chưa thể khởi tố ông.

Nhận đơn, cơ quan điều tra và VKSND TP Phan Thiết liền họp bàn bạc về sai sót trên. Cả hai ngành đã cho rằng 5% thương tật trên không phải do ông Nam gây ra. Tại hiện trường không có vật gì sắc nhọn ngoài cây liềm của ông Vân mang theo nên thống nhất khởi tố ông Vân về tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm.

Can ngăn đánh nhau bằng liềm (?) ảnh 1

Ngày 10-3, Công an TP Phan Thiết ra kết luận điều tra bổ sung và quy kết, khi nghe hai bên cãi nhau, ông Vân chạy đến và từ đằng sau lưng ông Hồng dùng liềm bổ vào mặt nạn nhân, tiếp đến ông Nam mới đấm vào mặt nạn nhân gây thương tích...

Bị truy cứu oan?

Theo đơn kêu oan của ông Vân, tại các biên bản hỏi cung, ông đều kêu oan bởi khi chạy đến can ngăn, ông đã ném cái liềm ở đâu đó. Nếu cầm cái liềm, ông không thể nào dùng hai tay để ôm bụng ông Nam kéo ra được. Chưa kể nếu cầm liềm khi can, ông sẽ gây thương tích cho vợ nạn nhân do lúc đó bà này cũng cùng ông lao vào can. Đáng lưu ý là một nhân chứng chứng kiến từ đầu cũng nhìn nhận chỉ có một mình ông Nam đánh ông Hồng, còn ông Vân và vợ ông Hồng chỉ can ngăn.

Ông Vân còn cho rằng việc mô tả cây liềm mà cơ quan điều tra thực hiện bằng các bản cung cũng vô lý. Theo đó, bản cung đối với ông được xét hỏi vào sáng 5-12-2010, ông mô tả cây liềm dài 30 cm, có cán bằng nhựa màu xanh được bán nhiều ở các chợ địa phương. Ngay trong chiều cùng ngày, bản cung được ông Hồng khai chính xác đến ngạc nhiên so với mô tả của ông như cây liềm được bán ở chợ, cán màu xanh và cũng dài 30 cm. Điều mâu thuẫn ở đây là cơ quan điều tra quy kết ông từ đằng sau dùng liềm bổ vào mặt, tiếp đó ở phía trước ông Nam dùng tay đánh liên tiếp vào mặt nạn nhân thì liệu nạn nhân có đủ bình tĩnh để nhận biết cán liềm màu gì và dài bao nhiêu hay không? Ngoài ra, kể từ lúc xảy ra vụ án đến nay, cơ quan điều tra cũng không thu giữ được cây liềm là tang vật gây án vì trước đó đã minh định ông chỉ là người đến can ngăn.

Ông Vân đặt vấn đề do xuất hiện có 5% thương tật do vật sắc nhọn tác động nếu không phải do ông Nam gây ra thì buộc cơ quan điều tra phải đình chỉ vụ án nên ông đến can ngăn lại bị khởi tố để nhằm hợp thức hóa những vết thương này...

Đây là vụ án vô cùng kỳ lạ...

Đọc hồ sơ, tôi thấy đây là vụ án vô cùng kỳ lạ. Trước hết, có những chứng cứ chưa chặt nhưng cơ quan chức năng vẫn quy buộc ông Vân là đồng phạm... Thứ nữa, do không thu được cái liềm mà gọi là “tang vật” vụ án nên từ khi xảy ra (18-3-2009) đến hơn hai năm sau (7-4), VKSND TP Phan Thiết mới thu giữ đôi dép cho là của vợ nạn nhân để tại hiện trường để bổ sung chứng cứ. Theo mô tả, sau hơn hai năm đôi dép vẫn còn có sáu vết màu nâu. Mặc dù không hề giám định cái gọi là dấu vết màu nâu là gì nhưng cáo trạng vẫn cho rằng đó là vết máu của nạn nhân!

Cạnh đó, trong vụ án này, lời khai của nạn nhân, vợ nạn nhân đều vô cùng bất nhất khiến hồ sơ vụ án bị trả đi trả lại nhiều lần. Còn phía ông Nam đã nhiều lần làm đơn yêu cầu đưa nạn nhân đi giám định lại bởi cho rằng ông Hồng bị nứt xương sọ vùng chẩm đến 8% là không có thật. Tuy nhiên, suốt hơn ba năm qua những yêu cầu chính đáng này đã không được cơ quan chức năng trả lời.

Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Sai lệch hồ sơ điều trị?

Theo xác nhận của bác sĩ Thông Hùng Minh (bác sĩ điều trị trực tiếp cho ông Hồng) ngày 23-3-2009 với cơ quan điều tra, tình trạng bệnh nhân sau năm ngày nhập viện tỉnh táo, có ba vết thương trên mặt giống như bị cào xước, kết quả chụp X-quang chưa thấy tổn thương. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án lại có phiếu chụp cắt lớp vi tính trước đó một ngày (ngày 22-3-2009) với kết quả nứt sọ chẩm do bác sĩ Phạm Văn Chương ký. Bác sĩ Minh khá bất ngờ và cho rằng nó vô lý vì nếu phiếu trên có trước ngày ông xác nhận tình trạng của bệnh nhân với công an thì ông phải biết trong khi ông đã kiểm tra rất kỹ hồ sơ nhưng không hề thấy... Đặc biệt bác sĩ Minh xác nhận nạn nhân chỉ có ba vết thương trên mặt nhưng khi viết giấy chứng nhận các vết thương, y sĩ Tuệ (người được ông Nam cung cấp cho cơ quan điều tra và là người thân của ông Hồng) ghi có… bốn dấu vết. Những điều này khiến dư luận đặt câu hỏi có phải hồ sơ vụ việc đã bị làm sai lệch dẫn đến hệ lụy là ông Vân bị truy cứu oan?

NGUYỄN PHÚ NHUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm