'Tòa huyện tuyên tử hình': Chuyên gia luật nói gì?

Pháp Luật TP.HCM ngày 5-6 có bài “Tòa án huyện sao lại tuyên án tử hình?”. Bài báo nêu trường hợp TAND huyện Bình Chánh và VKSND huyện Bình Chánh đã sai cơ bản dẫn đến việc truy tố, xét xử không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự.
Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc thắc mắc một số vấn đề bài báo nêu như: Không phải TAND huyện Bình Chánh tuyên án tử hình mà chỉ là tổng hợp hình phạt thành mức án tử hình, Nghị quyết 02/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (về việc bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết 01/2007 và Nghị quyết 02/2007) đã hết hiệu lực vì hướng dẫn cho luật cũ...
PLO xin giới thiệu bài phân tích, giải thích pháp lý về những thắc mắc trên của Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.
Bài báo dùng từ tuyên án là chính xác
Tuyên án, ngoài là một giai đoạn tố tụng thì còn là một động từ, một thuật ngữ pháp lý. Tuyên án đồng nghĩa với việc đọc bản án, công bố bản án nên khi tuyên án, chủ tọa sẽ nói: “Thay mặt HĐXX, tôi tuyên án”. Bản án gồm rất nhiều nội dung, tổng hợp hình phạt là một nội dung trong bản án.
Tuyên án là một hoạt động của HĐXX, tuyên tất cả nội dung có trong bản án đó, gồm có hình phạt, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng...
Phần tuyên án phán quyết tất cả những vấn đề HĐXX đã nghị án, bắt buộc phải giống với biên bản nghị án. Lúc này, thư ký yêu cầu mọi người trong phòng xử đứng dậy nghe. Phần quyết định luôn luôn có từ “buộc”, nghĩa là HĐXX nhân danh nhà nước buộc bị cáo phải chịu một mức hình phạt theo quy định pháp luật.
Trường hợp này, TAND huyện Bình Chánh tuyên bố bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản và xử phạt một năm tù giam. Tổng hợp hình phạt của bản án phúc thẩm hồi tháng 1-2018 của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của hai bản án là tử hình. Cho nên bài báo dùng từ tuyên án là chính xác.
Nghị quyết 02/2010 vẫn còn hiệu lực!
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản luật chính hết hiệu lực thi hành thì văn bản hướng dẫn cũng phải hết hiệu lực theo.
Thực tiễn xét xử cho thấy các toà vẫn áp dụng tinh thần của nghị quyết và các văn bản hướng dẫn cũ của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nếu nội dung điều luật mới không thay đổi cơ bản.
Nghị quyết 02/2010 bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết 01/2007 và Nghị quyết 02/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vẫn còn giá trị áp dụng bởi không phải ban hành luật mới ra thì phải ra văn bản hướng dẫn mới nếu điều luật mới nội dung không thay đổi nhiều.
Ví dụ: Nghị quyết 01/2013 hướng dẫn cho chế định án treo Điều 60 BLHS 1999, sau đó BLHS sửa đổi năm 2009 nhưng vẫn áp dụng nghị quyết này. Và mới đây BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 vẫn áp dụng Nghị quyết 01/2013 để hướng dẫn về chế định án treo. Cụ thể là bản án phúc thẩm vụ ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô ở Vũng Tàu, do áp dụng sai Nghị quyết 01/2013 về chế định án treo nên đã bị hủy án và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 02/2018 thay thế Nghị quyết 01/2013 hướng dẫn về chế định án treo. Nghị quyết 02/2018 sẽ có hiệu lực ngày 1-7-2018. Trước khi nghị quyết này có hiệu lực thì vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết 01/2013 để xét xử…
Hay trường hợp Thông tư 17/2007 hướng dẫn về ma túy theo quy định của BLHS 1999. Thông tư 17/2007 được sửa đổi bằng Thông tư 08/2015 hướng dẫn xử các tội về ma túy theo BLHS 1999 được sửa đổi, bổ sung 2009 vẫn còn áp dụng. Ngoài ra, Thông tư 08/2015 còn dẫn chiếu tiếp tục áp dụng Thông tư 17/2007 trong các trường hợp Thông tư 08/2015 không quy định. Mặc dù BLHS 2015 mới có hiệu lực nhưng vẫn áp dụng tinh thần nội dung các văn bản này để tính hàm lượng chất ma túy.
Nghị quyết 02/2003 hướng dẫn thế nào là hung khí nguy hiểm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS 1999. Đến nay sửa BLHS mấy lần vẫn áp dụng hướng dẫn tại nghị quyết này để xác định thế nào là hung khí nguy hiểm để điều tra, truy tố, xét xử.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, TAND TP.HCM chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ TAND huyện Bình Chánh vượt thẩm quyền tuyên án tử hình.
Bị cáo Phạm Tuất Linh đã lãnh án tử hình về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản. Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trước đó, Linh có hành vi lấy trộm chiếc máy tính bảng trị giá 3,15 triệu đồng ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Ngày 23-4-2018, TAND huyện Bình Chánh tuyên phạt Linh một năm tù về tội trộm cắp tài sản. Tổng hợp với bản án tử hình đã có hiệu lực, tòa buộc Linh phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Bản án này đã bị VKSND TP.HCM kháng nghị vì việc truy tố, xét xử của VKS và TAND huyện Bình Chánh là không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự.
Trường hợp này lẽ ra TAND huyện Bình Chánh phải báo cáo với TAND TP.HCM để TAND TP.HCM thống nhất với VKSND TP.HCM rút hồ sơ lên để truy tố, xét xử. Bởi lẽ Linh tuy bị truy tố về một tội thuộc thẩm quyền xét xử của TAND huyện Bình Chánh nhưng khi tòa này thụ lý vụ án thì Linh đã bị áp dụng hình phạt tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (về việc bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết 01/2007 và Nghị quyết 02/2007) thì trường hợp này, thẩm quyền truy tố, xét xử thuộc cấp thành phố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm