Theo đó, Nghị định nêu rõ: Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
Người tham gia lễ hội trang phục phải lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
Việc thắp hương, đốt vàng mã phải đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường…
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Lễ hội phải được đăng ký trước với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các cấp (15 đến 20 ngày) tùy vào quy mô của lễ hội trước khi tổ chức.
Đáng chú ý, các trường hợp cơ quan có thẩm quyền có quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội, gồm: Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người; Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; Có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.