Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa có tờ trình khái toán cho kinh phí hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Tổng số tiền hơn 104 tỉ đồng chủ yếu được lấy từ ngân sách nhà nước, một phần nhỏ từ nguồn huy động xã hội hóa.
104 tỉ để làm hội thảo, sáng tác nhạc, in DVD?
Ngay sau khi tờ trình này đưa ra đã vấp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội. Thanh Hóa vẫn còn là một tỉnh phải xin gạo cứu đói nhưng dự tính chi hơn trăm tỉ đồng để làm lễ kỷ niệm danh xưng là việc khó chấp nhận.
Thăm dò từ chính người dân Thanh Hóa, chúng tôi nhận được hầu hết ý kiến phản đối. “Tổ chức một sự kiện kỷ niệm với kinh phí trăm tỉ đồng là lãng phí bởi Thanh Hóa vẫn còn những huyện rất nghèo, tập trung ở vùng núi như Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước… và thực tế địa phương vẫn chưa tự chủ về ngân sách. Năm ngoái địa phương thu ngân sách được khoảng 13.000 tỉ đồng nhưng lại chi tới hơn 23.000 tỉ đồng” - một người dân bức xúc.
Theo tờ trình, 104 tỉ đồng trên được chia ra huy động từ nguồn xã hội hóa là hơn 22 tỉ đồng và 82 tỉ đồng còn lại lấy từ ngân sách.
Số tiền này sẽ được sử dụng cho các hoạt động như tổ chức kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất anh hùng dân tộc Lê Lợi và lễ hội Lam Kinh năm 2018; tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản đĩa CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2019...
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trọng thể ở Thanh Hóa vào năm 2016. Ảnh: Đ.TRUNG
UBND tỉnh chưa xem xét tới
Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Chúng tôi chỉ đưa ra khái toán ban đầu. Quan điểm của Sở là sẽ huy động xã hội hóa nguồn kinh phí. Những năm gần đây, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của Sở hoặc ủy ban tổ chức đều huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa từ 50% đến 70% tổng kinh phí. Trước khi duyệt mức kinh phí tổ chức lễ hội, UBND tỉnh sẽ thận trọng chuyển kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm cho Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án tài chính căn cứ theo nguồn lực của tỉnh”.
Ông Phương cũng nhận định tỉnh sẽ không đồng ý tổ chức lễ kỷ niệm với mức kinh phí cao như trên bởi theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là tổ chức lễ kỷ niệm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
“Cho dù lễ kỷ niệm là rất cần thiết nhưng ngân sách lấy đâu ra tiền mà bỏ trăm tỉ đồng để làm việc như thế? Giao cho đơn vị việc nọ việc kia thì họ cứ lên khái toán như vậy. Thậm chí con số khái toán cũng chưa có căn cứ gì cả” - ông Phương nói.
Trong khi đó, đại diện đơn vị trực tiếp nhận tờ trình trên, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa Phạm Bá Hùng nêu rõ: “Sở đã nhận được tờ trình của Sở VH-TT&DL nhưng chưa có một văn bản nào duyệt chi. Lý do là tờ trình này chưa rõ ràng. Đây là một sự kiện lớn của tỉnh, HĐND tỉnh đã có nghị quyết, Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã có kết luận giao cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch… Tất cả mới chỉ là khái toán và chưa phê duyệt”.
Khi được hỏi về vấn đề gây tranh cãi này, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho hay hiện tại tỉnh vẫn chưa xem xét đến việc Sở VH-TT&DL đề xuất tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa với số tiền dự chi lên tới hơn 104 tỉ đồng. “Để biết rõ thêm thông tin, đề nghị các cơ quan báo chí làm việc với Sở” - ông Kỳ thông tin.
Một đồng cũng phải tiết kiệm, bởi đó là tiền của dân Một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xin giấu tên nêu rõ quan điểm: “Tiền ngân sách nhà nước là tiền của dân đóng góp vì thế việc sử dụng dù là một đồng cũng phải tiết kiệm. Quy trình duyệt chi phải phù hợp với lợi ích chung của tỉnh”. Vị này cho biết tờ trình của Sở VH-TT&DL chưa được một cơ quan nào xem xét. Theo quy trình sẽ phải qua Sở Tài chính, UBND tỉnh, tới HĐND xem xét từng hạng mục cụ thể rồi mới trình lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cuối cùng mới đến quyết định duyệt chi. “Hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa là sự kiện lớn có nhiều chương trình liên quan, từng hạng mục sẽ phải được xem xét cẩn trọng trước khi quyết định. Thông tin đã duyệt chi như mấy ngày qua trên mạng xã hội là sai” - vị này nêu rõ. |