Giám đốc sở nói về khoản chi 104 tỉ cho danh xưng Thanh Hóa

Ngay sau khi tờ trình này đưa ra đã vấp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng vì sao Thanh Hóa là một tỉnh vẫn xin gạo cứu đói nhưng lại chi lên đến trăm tỉ đồng để làm lễ kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa.

Trước những thông tin trái chiều, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH-TT&DL, xác nhận thông tin về việc sở này đã có tờ trình gửi Sở Tài chính về việc khái toán các khoản kinh phí chi cho các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. 

Theo ông Phương, tờ trình tổng hợp các ý kiến từ nhiều đơn vị, địa phương từ đó mới làm tờ trình gửi Sở Tài chính họ xem xét, thẩm định, sau đó ra báo cáo gửi chủ tịch UBND tỉnh ký. Ông Phương khẳng định: “Đó mới chỉ là báo cáo tổng hợp thôi, chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện”. Cũng theo ông Phương, số tiền thực hiện khái toán ban đầu là 104 tỉ đồng.

Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Trước đó, vào ngày 12-6, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 1625/SVHTTDL-KHTC gửi Sở Tài chính khái toán tổng số kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa là 104,722 tỉ đồng. 

Trong tổng số tiền dự chi cho năm danh xưng Thanh Hóa được huy động từ nguồn xã hội hóa là hơn 22 tỉ đồng, số tiền 82 tỉ đồng còn lại là lấy từ ngân sách. Cũng trong tờ trình này chỉ rõ các hoạt động của năm danh xưng Thanh Hóa.

Cụ thể, các hoạt động cho lễ kỷ niệm được khái toán rất cụ thể trong tờ trình gồm: Một là tổ chức kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi và lễ hội Lam Kinh năm 2018 (dự chi khoảng 8 tỉ đồng, 5 tỉ đồng từ ngân sách).

Hai là tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản đĩa CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa (khoảng 4,5 tỉ đồng); tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2019 (dự chi hơn 23 tỉ đồng, hơn 17 tỉ đồng từ ngân sách)... 

Di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Nhiều ý kiến của người dân Thanh Hóa cho rằng việc tổ chức một sự kiện năm danh xưng Thanh Hóa mà chi lên đến cả trăm tỉ đồng là lãng phí, trong khi Thanh Hóa là tỉnh mà có nhiều huyện nghèo tập trung ở vùng núi như Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước… trong khi địa phương vẫn chưa tự chủ về ngân sách, hằng năm vẫn xin gạo cứu đói cho người nghèo, đặc biệt là các huyện vùng cao.

Theo tìm hiểu được biết năm 2017, địa phương này thu ngân sách được khoảng 13.000 tỉ đồng nhưng chi lên tới hơn 23.000 tỉ đồng. "Mặc dù những năm vừa qua Thanh Hóa đã trải thảm thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau như một điểm sáng trong đầu tư của cả nước, song việc chi lên đến trăm tỉ đồng để kỷ niệm thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng" - một người dân chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Một người mẹ trẻ ở huyện Mường Lát chia sẻ với phóng viên về cuộc sống vùng biên. Ảnh: Đ.TRUNG

Trước đây, để lựa chọn được năm danh xưng Thanh Hóa, tỉnh này đã có nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước.

Và sau những cuộc hội thảo đó thì đến ngày 23-5-2017 tại cuộc hội thảo này đã thống nhất kiến nghị lấy niên đại năm 1029 (trong khi cũng có nhiều ý kiến năm danh xưng Thanh Hóa là năm 1081 nhưng không được chấp nhận) với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Như vậy tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất lấy năm 1029 là năm sớm nhất xuất hiện danh xưng Thanh Hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm