Từ 1-7-2016, tòa phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản mà người phải THA không thi hành thì người được THA có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hành chính đó ra văn bản đôn đốc việc thi hành. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đôn đốc của cơ quan THA dân sự mà người phải THA vẫn không THA, không thông báo kết quả THA thì cơ quan THA dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA biết để xem xét, chỉ đạo việc THA và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Quy định là vậy nhưng trong thực tiễn THA hành chính, rất nhiều vụ việc đã bị dây dưa kéo dài vì người phải THA không chịu thi hành, lấy lý do là tòa tuyên án chưa thuyết phục, đang đề nghị người có thẩm quyền xem xét giám đốc thẩm... Trong khi đó, do tổ chức bộ máy, quan hệ công tác, lợi ích cục bộ… nên việc kiểm tra, đôn đốc THA của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới đã không có hiệu quả. Pháp luật hiện hành cũng đang thiếu quy định về trình tự, thủ tục THA hành chính, các chế tài cụ thể đối với người không chịu THA. Người dân đã khổ sở vì “con kiến đi kiện củ khoai”, mất công, mất sức, mất thời gian đeo đuổi vụ kiện, đến khi thắng kiện lại tiếp tục phải chờ đợi mỏi mòn, dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Để khắc phục, Luật Tố tụng hành chính 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) đã bổ sung nhiều quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan; nghĩa vụ và chế tài đối với người THA...

Cụ thể, người phải THA sẽ có thời hạn tự nguyện THA là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì người được THA có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc THA. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được THA, tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc THA hành chính.

Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm của người phải THA theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải THA cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án, quyết định buộc THA của tòa thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc THA thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Được biết mới đây, ban soạn thảo nghị định về THA hành chính đã họp, đề ra nhiều ý tưởng về các hình thức chế tài đối với người không THA như bêu tên trên báo, đài, không xem xét trong thi đua, khen thưởng hay xem xét trách nhiệm khi đề bạt, bổ nhiệm... Nội dung của dự thảo nghị định sẽ quy định trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức phải THA; trách nhiệm của cấp trên trực tiếp của người phải THA, chủ tịch UBND các cấp, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới THA; trách nhiệm theo dõi, đôn đốc THA của cơ quan THA dân sự. Dự thảo cũng quy định chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp, cơ quan THA, cơ quan quản lý THA thuộc Bộ Tư pháp xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử phạt hành chính; đề nghị xử lý hình sự hành vi không chấp hành án...

Hy vọng rằng tới đây, với các quy định và hướng dẫn mới, tình hình THA hành chính sẽ có bước chuyển biến tốt đẹp hơn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm