Tòa bác yêu cầu vụ nhạc sĩ Viên Nghiệp kiện ca sĩ Quang Lập

(PLO)- Nhạc sĩ Viên Nghiệp cho rằng chỉ cho phép ca sĩ Quang Lập hát miễn phí các ca khúc do ông sáng tác nhưng do nhầm lẫn nên đã kí vào các hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, tuy nhiên không chứng minh được nên tòa đã bác đơn khởi kiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-4, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ các ca khúc giữa nguyên đơn là ông Phạm Văn Lành (nhạc sĩ Viên Nghiệp) và bị đơn là ông Diệp Văn Lập (ca sĩ Quang Lập).

Ông Lành khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên hủy hai hợp đồng “Chuyển nhượng quyền tác giả” giữa ông và ông Lập do có sự nhầm lẫn. Đồng thời yêu cầu ông Lập bồi thường chi phí thuê luật sư là 30 triệu đồng.

Phía bị đơn vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng và không có văn bản trình bày ý kiến.

Quá trình xét xử vụ án, HĐXX cho rằng không có cơ sở để chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Lành. Do đó, tòa tuyên không chấp nhận các yêu cầu trên.

nhạc sĩ Viên Nghiệp kiện ca sĩ Quang Lập
HĐXX không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Lành. Ảnh: AN BÌNH.

Theo đơn khởi kiện, tháng 8-2019, ông Lành có liên hệ với ông Lập để giới thiệu các ca khúc do ông sáng tác và mong muốn được ca sĩ Quang Lập thể hiện các ca khúc này.

Ông Lành cho biết vì sự đam mê sáng tác, chứ không phải vì vật chất, nên ngỏ ý sẽ tặng ông Lập và các ca sĩ hát tại Trung tâm Giọng ca để đời khi hát 17 ca khúc do chính ông sáng tác, không phải trả phí bản quyền, hoàn toàn miễn phí suốt đời.

Tuy nhiên, sau khi thu âm và ghi hình xong, ông Lập có gọi điện cho ông Lành lên trung tâm để ký hợp đồng gồm 12 ca khúc và biên nhận có ghi 30 triệu đồng.

Khi ông Lành thắc mắc việc ông chỉ tặng để hát miễn phí sao phải ký hợp đồng? Ông Lập trả lời rằng không có hợp đồng và biên nhận thì không hát được, việc ký này chỉ là tượng trưng.

Do tin tưởng nên ông Lành vẫn kí vào hợp đồng và biên nhận. Những giấy tờ này phía ông Lập giữ lại toàn bộ.

Một thời gian sau, ông Lập tiếp tục yêu cầu ông Lành kí tiếp một hợp đồng tương tự với 5 ca khúc và biên nhận có ghi 5 triệu đồng.

Dù vậy, ông Lành cho biết không hề nhận bất kì một khoản tiền nào từ ông Lập. Vì quá tin tưởng ông Lập, ông đã không mảy may nghi ngờ gì, không xem lại và cũng không giữ hợp đồng.

toa-khong-chap-nhan-yeu-cau-khoi-kien-vu-nhac-si-vien-nghiep-kien-ca-si-quang-lap-1.jpg
Ông Lành và luật sư tại phiên tòa. Ảnh: AN BÌNH.

Một thời gian sau, khi làm việc với một số ca sĩ khác về các ca khúc này, ông Lành mới phát hiện các hợp đồng đã ký là “Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả” chứ không phải là “Hợp đồng cho phép sử dụng tác phẩm âm nhạc” như ông vẫn nghĩ.

Sau đó, ông Lành đã liên hệ và yêu cầu ông Lập sửa lại các bản hợp đồng để đúng bản chất việc ông chỉ cho phép sử dụng miễn phí các ca khúc. Tuy nhiên phía ông Lập không sửa lại.

Sau nhiều lần thương lượng không thành công, ông Lành đề nghị nếu không sửa hợp đồng thì phải thanh toán cho ông số tiền 35 triệu đồng như trong 2 hợp đồng có nêu.

Ông Lập không trả lời ngay, tuy nhiên sau đó có nhờ một nhạc sĩ khác liên hệ với ông Lành để thương lượng mức giá xuống còn 20 triệu đồng. Ông Lành không đồng ý với đề nghị này và khởi kiện ra tòa án.

Tại phiên tòa, phía nguyên đơn cho biết cả 2 bản hợp đồng đã ký đều là do nhầm lẫn và thực tế là ông Lành chưa hề nhận bất kì khoản tiền nào từ ông Lập. Việc này thể hiện qua nội dung các tin nhắn zalo giữa hai bên.

Phía nguyên đơn đã cung cấp cho HĐXX các vi bằng thể hiện tin nhắn trên zalo giữa hai bên và đoạn ghi âm nội dung một nhạc sĩ khác thay mặt ông Lập đề nghị trả giá từ 35 triệu đồng xuống còn 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, phía ông Lành không cung cấp được bản chính các hợp đồng đã kí do phía ông Lập đã giữ lại.

HĐXX xác định ông Phạm Văn Lành là tác giả hợp pháp của các ca khúc trên và có quyền chuyển nhượng quyền tác giả. Ông Lành và ông Lập đã ký 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, kèm theo đó là 2 biên nhận 30 triệu đồng và 5 triệu đồng, hình thức nhận tiền mặt trực tiếp.

Ông Lành cho rằng việc ký các hợp đồng là do nhầm lần nhưng không cung cấp được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ hợp pháp để chứng minh nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Phía bị đơn có cung cấp các vi bằng thể hiện tin nhắn giữa hai bên nhưng không đủ cơ sở pháp lý xác định số điện thoại hay tài khoản zalo trên là của bị đơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm