VKS đề nghị tòa tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun

Đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị TAND TP.HCM tuyên xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Theo đại diện VKSND TP.HCM, đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP HCM. Vinasun và Grab đều là doanh nghiệp nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế TAND TP.HCM. Việc Grab yêu cầu đưa Bộ GTVT tham gia tố tụng là không cần thiết vì đề án thí điểm không thuộc đối tượng khởi kiện.
Về pháp lý, Grab đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải nội, ngoại thành mặc dù theo đề án thì Grab không được kinh doanh vận tải. Grab đã lợi dụng đề án thí điểm để hoạt động ngành nghề kinh doanh vận tải cùng ngành nghề của Vinasun. Ngoài ra, Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có những chuyến xe 0 đồng. Do đó, đủ cơ sở xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi chứ không đơn thuần là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối công nghệ giữa khách hàng và tài xế.
Về giá trị cổ phiếu bị sụt giảm, theo những báo cáo tài chính cho thấy Vinasun tụt giảm vốn hóa là có cơ sở. Do đó, đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 41,2 tỉ đồng...

Tòa tuyên bố nghị án kéo dài, ngày 29-10 tòa sẽ tuyên án.

VKS đề nghị tòa tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun ảnh 1
Các bên nghe đại diện VKS phát biểu quan điểm giải quyết vụ án

VKS đề nghị tòa tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun ảnh 2
Hai bên tại phòng xử của Tòa Kinh tế TAND TP.HCM 126 Lê Thánh Tôn, quận 1 chiều nay 23-10

VKS đề nghị tòa tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun ảnh 3
Đại diện Vinasun 

VKS đề nghị tòa tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun ảnh 4
Đại diện Grab

Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24 của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên Vinasun đề nghị tòa buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.
Viansun cũng đề nghị HĐXX định danh Grab là đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi, không phải là doanh nghiệp kinh doanh phần mềm theo Đề án 24 bởi lẽ trong quá trình thực hiện Đề án 24, Grab đã có hành vi vi phạm pháp luật, kinh doanh taxi trái phép. 

Vinasun khẳng định kiện hành vi khuyến mãi của Grab gây thiệt hại cho Vinasun theo các quy định về khuyến mãi của Luật Thương mại 2005. Do đó, vụ kiện thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án chứ không thể là Bộ Công thương hay Bộ GTVT.

Ngược lại, Grab khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ là “cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng”. Grab vào thị trường Việt Nam từ khi chưa có Đề án 24. 
Mô hình hợp tác kinh doanh giữa Grab và các đối tác kinh doanh vận tải về cơ bản hoàn toàn phù hợp với đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. Đề án đưa ra các quy định phù hợp nhằm phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực kết nối vận tải trong giai đoạn chờ đợi Chính phủ ban hành một khung pháp lý hoàn thiện cho hoạt động này. 
Grab không đồng ý với việc Vinasun yêu cầu tòa định danh Grab là doanh nghiệp taxi bởi đây là trách nhiệm của Bộ GTVT, đồng thời trước đây yêu cầu khởi kiện của Vinasun chỉ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo Grab, việc định danh Grab như Vinasun đề nghị nếu được chấp nhận thì sẽ hết sức nguy hiểm bởi có thể sẽ tạo tiền lệ xấu khi một doanh nghiệp lợi dụng hệ thống tư pháp và tòa án để thay đổi chính sách thượng tầng, gây bất ổn chính trị, xã hội...
Từ đó, Grab đề nghị hoặc tòa đình chỉ để Bộ Công thương giải quyết vì vụ này không thuộc thẩm quyền của tòa; hoặc bác yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm