Bệnh tật vẫn gánh cả gia đình

Gần trưa chúng tôi mới tìm được nhà bà Lê Thị Hường (ấp Tân Thành, xã biên giới Tân Bình, huyện Tân Biên, Tây Ninh), một người đàn ông mù dò dẫm bước ra. Đó là ông Lương Văn Thành - thương binh hạng 4/4, chồng bà Hường. Ông Thành cho biết bà Hường đã đi bán bánh ú, bánh tét từ sáng sớm tới giờ chưa về, có lẽ bà đã tranh thủ đi nhặt ve chai.

Gánh vác một gia đình bất hạnh

Hỏi thăm hàng xóm, một người chỉ ra quán bỏ trống ở đầu ấp để tìm gặp bà Hường. Chúng tôi tìm được bà Hường ở đó khi bà đang lui cui soạn mớ ve chai, chuẩn bị đem ra vựa bán.

Bà Hường, một nữ cựu TNXP, năm nay 57 tuổi lại đủ thứ bệnh trong người: cao huyết áp, khối u phổi, suy tim. Sức khỏe yếu ớt là vậy nhưng bà Hường lại là chỗ dựa duy nhất cho cả gia đình.

Một ngày của bà Hường bắt đầu từ sáng sớm. Bà phải dậy từ tờ mờ sáng để mang bánh bỏ cho mấy mối quen. Phần còn lại, bà lại đạp xe đi bán dạo cho đến trưa. Chiều về bà lại tất tả đi mua lá, mua đậu gói bánh. Hôm nào may mắn thì lời được vài chục đến trăm ngàn đồng. Bán bánh xong, bà lại tranh thủ đạp xe khắp nơi đi lượm ve chai. Sức khỏe bà Hường đã yếu nên bà chỉ đạp xe loanh quanh xã biên giới heo hút này, lượm lặt chẳng được bao nhiêu. Mỗi ngày bà đi lượm một ít, đến khi đầy bao thì mang ra vựa ve chai bán, kiếm thêm được vài chục ngàn đồng.

Bệnh tật vẫn gánh cả gia đình ảnh 1

Thành quả của nhiều ngày lượm ve chai.

Chồng bà Hường là một cựu chiến binh. Năm 1972, khi đơn vị chiến đấu ở Bà Rịa-Vũng Tàu, ông bị một mảnh pháo cối găm vào đầu. Năm 1980, ông xuất ngũ về lại địa phương với di chứng hay bị đau đầu, mờ mắt. Nhưng vì túng bấn, lại cậy có sức khỏe nên ông Thành không đi chữa bệnh. Cách đây vài năm, sức khỏe ông sa sút rồi mắt ông mù hẳn. Ông không còn đi làm mướn được nữa. Việc mưu sinh dồn hết lên vai bà Hường.

Ông bà có hai người con trai. Anh con trai lớn gần 30 tuổi, đã có gia đình và hai con nhỏ. Gia cảnh anh rất khó khăn không giúp được gì cho cha mẹ, lại còn đau ốm liên miên. Anh bị nổi nhiều khối u trong người, sức khỏe kém nhưng gắng gỏi lắm cũng mới đi bệnh viện ở thành phố được hai lần. Khám xong rồi thôi, không có tiền tái khám và theo đuổi điều trị. Bà Hường phải “viện trợ” gạo cho con, giúp chăm cháu nội để động viên con.

Con trai út của bà Hường mới ngoài 20, là niềm hy vọng và cũng là chỗ dựa của gia đình khi anh còn khỏe mạnh và đi làm mướn được. Nhưng năm ngoái, anh bị tai nạn, bị xe cán nát một chân, phải cưa cụt tới bẹn. Người đàn ông khỏe mạnh duy nhất trong nhà trở thành người tàn phế, không còn đi làm mướn được nữa. Sau cú sốc đó, nhiều người nói anh tới giờ vẫn chưa trở lại bình thường. Anh sống khép kín, không cho ai gặp vì mặc cảm mình là người tàn tật.

Khi anh con trai út của bà Hường nhập viện, trong cảnh đường cùng, cũng may còn có sổ lương thương binh của ông Thành để đem đi cầm cố. Lúc đó, chi phí chữa trị hết 160 triệu đồng, đến giờ trả nợ vẫn chưa xong, sổ lương vẫn “cắm” ở nhà người ta.

Bà Hường vừa làm người kiếm tiền trong nhà, vừa là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Vì thế, dù sức khỏe yếu, bà vẫn “ráng không được bịnh, tui bịnh là cả nhà đói”.

Bệnh tật vẫn gánh cả gia đình ảnh 2

Bà Hường soạn lá gói bánh. Ảnh trong bài: NGUYỄN HOÀNG

Không gục ngã

Đã quen lam lũ từ nhỏ, lớn lên trưởng thành trong môi trường TNXP nên bà Hường có một ý chí mạnh mẽ: “Tui buông xuôi sao được. Trời bắt mình càng khổ, mình càng phải ráng, mình đâu có sống cho riêng mình được”.

Sau bữa trưa qua quýt, bà Hường lại tất bật việc gói bánh, luộc bánh cho tới chiều tối. Nhưng cho đến buổi tối vẫn chưa được nghỉ ngơi, bà xách bao đi mót mì. Các xe máy cày chở mì ra vào xã gom mì về nhà máy, thường làm rớt một ít dọc đường. Sáng hôm sau, bà xắt mì ra phơi khô rồi để dành. Đến khi có đủ một bao mì lát khô, bà kiếm thêm được vài chục ngàn đồng nữa.

Vì bị suy tim nên bà Hường không làm việc nặng được, cũng không ai dám mướn đi làm, bà nghĩ ra cách nuôi chim cút. Một cựu chiến binh ở TP.HCM, đồng đội của ông Thành, giúp 5 triệu đồng làm vốn. Nuôi cút được một thời gian, tiêu thụ chậm, giá bán ra lỗ nên bà Hường mất cả vốn lẫn tiền công. Bà Hường mất ngủ nhiều đêm vì “tôi phụ tấm lòng của cô chú đó rồi, tui phải ráng kiếm lại. Bữa sau người ta lên thăm, tui biết ăn nói làm sao”.

Để “kiếm lại”, bà chuyển qua nghề gói bánh ú, bánh tét, vừa nhẹ vốn vừa có tiền xoay vòng hằng ngày. Rổ bánh của bà nuôi sống cả nhà nhưng không đủ trang trải tiền thuốc men cho cả nhà mà ai cũng bệnh tật, bà lại gắng gỏi lượm thêm ve chai, đi mót mì.

Có hôm trên đường chở đứa cháu nội về thăm, cô bé giật áo bà Hường, nói: “Có cái chai nhựa kìa bà nội, bà nội dựng xe con lượm cho”. “Nghe cháu nói mà tui xúc động rớt nước mắt. Mấy chị em nói hoàn cảnh tui không có đường ra nhưng tui còn có mấy đứa cháu nội khỏe mạnh, ngoan ngoãn đó” - bà Hường nói.

Dù trong cảnh tận khổ, bà vẫn không oán trách cuộc sống mà còn thấy mình còn “nặng nợ ân tình với nhiều người”. Ân tình đó là căn nhà tình nghĩa của một mạnh thường quân trao tặng khi biết gia đình bà mấy chục năm vẫn ở tạm trong căn chòi lụp xụp. Ân tình đó là một con bò mà Câu lạc bộ phụ nữ từ thiện tỉnh Tây Ninh trao cho bà làm vốn. Lần đó bà đã nghẹn ngào hứa: “Tui hứa với mấy chị em, không bước qua khó khăn được liền thì tui cũng ráng nhích lên dần dần”.

Người ta lại thấy bà lọc cọc đạp xe đi cắt cỏ, xin rơm mùa vừa gặt chở về cho bò giữa những trưa nắng chang chang của vùng biên.

Không ai khổ như cô ấy!

Bà Lê Thị Bưởi, hàng xóm bà Hường nhận xét: “Ở đây nhiều người khổ nhưng chắc cô Hường là khổ nhất. Nhiều đêm thấy cổ đi lượm mì tới khuya, tôi thương quá mà không biết làm sao”. Bà Trần Thị Tuệ (đội trưởng đội TNXP xã Tân Bình, cũng là chủ tiệm tạp hóa) cho biết: “Nhà cô Hường là khổ nhất ở đây, cô ấy hay đi vay tạm, mua tạm chỗ tôi. Chỗ phụ nữ với nhau, tôi thông cảm lắm nên cho cô ấy mua thiếu suốt”.

NGUYỄN HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm