Thay hội thẩm bất ngờ: Phải hủy án

Nhưng rất nhiều chuyên gia lại phản bác rằng tòa đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, án phải bị hủy...

Xin tóm tắt lại vụ việc để bạn đọc dễ hình dung: Ông N. - nguyên đơn trong một vụ kiện đòi lại đất nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND huyện Xuân Lộc ghi rõ họ tên, chức vụ của hai hội thẩm nhân dân. Tại phiên xử, ông bất ngờ khi thấy hai người khác ngồi trên ghế hội thẩm. Nghĩ không có chuyện gì, ông đồng ý để hai người này ngồi xử khi được tòa hỏi ý kiến. Đến lúc nhận được bản án trong đó vẫn ghi họ tên của hai hội thẩm không ngồi xử, ông khiếu nại thì tòa mới ra thông báo đính chính họ tên của hai hội thẩm mới...

Vấn đề đặt ra: Liệu TAND huyện Xuân Lộc đã làm đúng luật? Nếu sai, vụ việc có thể khắc phục bằng cách ra thông báo đính chính hay phải hủy án để xét xử lại?

Không thông báo: Vi phạm

Đã có quan điểm cho rằng chuyện bất ngờ thay đổi hội thẩm nhân dân ở “phút 89” này hiện không còn nghiêm trọng bởi thực tế nhiều vụ hội thẩm bận đột xuất… nên các tòa phải “alô” chữa cháy bằng hội thẩm khác. Làm đúng luật thì phải hoãn phiên tòa để bổ sung quyết định đưa vụ án ra xử cho đúng thành phần nhưng lại kéo dài thời gian giải quyết án, mất công mất sức của các bên. Vì vậy tại phiên xử, nếu đương sự đồng ý thì có thể du di cho qua.

Theo TS Nguyễn Văn Tiến(giảng viên Đại học Luật TP.HCM), Điều 51 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thẩm quyền thay đổi hội thẩm trước khi mở phiên xử thuộc về chánh án tòa án nơi xét xử. Nếu thay đổi hội thẩm trước khi mở phiên xử thì tòa phải thông báo ngay cho những người liên quan biết. Mục đích của việc này là để đương sự có thời gian tìm hiểu nhân thân hội thẩm mới nhằm thực hiện quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng.

Như vậy, TAND huyện Xuân Lộc đã làm sai luật khi thay đổi cả hai hội thẩm mà không hề thông báo gì cho đương sự biết. Điều này đã làm đương sự không có thời gian để tìm hiểu những người mới này có đảm bảo được sự khách quan, vô tư khi ra phán quyết hay không.

Chưa kể, theo luật sư Phạm Văn Vui (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), khi xét xử, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán. Để có quan điểm đúng đắn và độc lập, họ cần thời gian nghiên cứu hồ sơ cùng các quy định pháp luật liên quan. Việc chỉ tham gia ở “phút 89” sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng xét xử. Bản án khó mà khách quan, chất lượng được khi hội thẩm chỉ ngồi xử cho “có đủ tụ”.

Thay hội thẩm bất ngờ: Phải hủy án ảnh 1

Luật sư Từ Vĩnh Lợi (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đồng tình rằng trong vụ án tòa đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Theo ông, nếu lý do dẫn đến sự việc là khách quan thì tòa cẩu thả, tắc trách, còn không thì vụ án “có vấn đề”.

Đính chính sai quy định

Theo quy định, tòa chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án nếu phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả như lỗi do viết không đúng về từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự; số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai như cộng trừ nhân chia sai mà phải sửa lại cho đúng.

Ở đây, việc sửa lại tên họ của hai hội thẩm nhân dân của TAND huyện Xuân Lộc có thuộc vào trường hợp “có lỗi rõ ràng về chính tả” hay “số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai”?

Luật sư Phạm Văn Vui khẳng định không thể tùy tiện đính chính như vậy được bởi đây rõ ràng không phải là sai do lỗi chính tả hoặc sai về con số. Đồng quan điểm, theo luật sư Từ Vĩnh Lợi, tòa chỉ có thể ra thông báo đính chính việc sai họ, chữ lót hoặc sai tên của hội thẩm nhân dân. Đằng này vị chủ tọa lại ra thông báo “thay” luôn cả hai vị hội thẩm là sai.

Phải hủy án

TS Nguyễn Văn Tiến cho rằng trong vụ án này, tòa phúc thẩm cần áp dụng Điều 277 Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Xuân Lộc để xét xử lại cho khách quan.

TS Tiến phân tích: Bản án của tòa là văn bản có giá trị bắt buộc các bên liên quan phải thi hành, chịu sự cưỡng chế bởi quyền lực của nhà nước. Bản án ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tới số phận pháp lý của các bên liên quan. Tòa có thể viện cớ quên, thiếu sót trong quá trình tống đạt quyết định xét xử cũng như quá trình xét xử nhưng nhất thiết khi ra bản án phải đảm bảo sự chính xác cao nhất.

Luật sư Từ Vĩnh Lợi và luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng tán đồng. Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, với việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự và chất lượng xét xử thì tòa không thể chỉ khắc phục một cách đơn giản bằng một thông báo đính chính sai quy định được.

Điều 198 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về việc thay thế thành viên hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt. Cụ thể, trong trường hợp có thẩm phán, hội thẩm nhân dân không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có thẩm phán, hội thẩm nhân dân dự khuyết thì những người này được tham gia xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu... Trong trường hợp không có thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế thành viên hội đồng xét xử thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

Như vậy, trường hợp đặc biệt này chỉ diễn ra tại phiên xử với điều kiện phải có thẩm phán, hội thẩm dự khuyết.

Không khách quan

Việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử không chỉ để đương sự chuẩn bị cho phiên tòa mà còn cung cấp thông tin về thành phần hội đồng xét xử. Qua đó, đương sự sẽ có thời gian tìm hiểu thành phần này có đảm bảo được sự khách quan, vô tư khi ra phán quyết hay không. Thay đổi hội thẩm ngay “phút 89” đã tước đi điều kiện này của đương sự. Họ sẽ không có thời gian để tìm hiểu nhân thân của hội đồng xét xử, không thể thực hiện quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng được.

Sự việc xảy ra cho thấy bản án không đảm bảo tính khách quan. Tòa cũng không thể “chữa cháy” bằng thông báo đính chính mà phải hủy án để xử lại.

Luật sư LÊ DŨNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Có vấn đề

Bản án gửi về cho đương sự ghi tên hai hội thẩm không trực tiếp xét xử là có dấu hiệu bản án không được ghi nhận một cách khách quan. Như chúng ta đã biết, thành phần hội đồng xét xử luôn được chủ tọa công bố tại tòa thì không có lý do gì biên bản lại ghi sai tên của cả hai hội thẩm. Rõ ràng, bản án có vấn đề và nhất thiết phải bị hủy.

Luật sư TÔ NGỌC MINH TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Thay hội thẩm sai luật, bị hủy án

Cách đây không lâu, TAND TP Hà Nội đã xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thị Tuyết Lan tám năm tù về tội cố ý gây thương tích. Trước đó, chính tòa này cũng từng xử sơ thẩm, phạt Lan 10 năm tù nhưng bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội hủy án. Một trong những lý do chính để hủy án là cấp sơ thẩm đã thay đổi hội thẩm sai quy định.

Theo hồ sơ, Lan và anh M. yêu nhau dù cả hai đều đã có gia đình. Sau đó, dù vợ chồng anh M. đã ly hôn, Lan vẫn lo sợ anh M. quay lại với vợ cũ nên dùng axit tạt nạn nhân gây thương tật 46%.

HỒNG TÚ - TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm