Dải Gaza - Lò thuốc súng của Israel

Chiếm đóng và nổi dậy

Hơn nửa thế kỷ nay, dải Gaza là lò thuốc súng đối với Israel. Trong chiến tranh lần thứ nhất giữa Israel và các nước Ả Rập (1948-1949), Thủ tướng Israel David Ben Gurion (1886-1973) rất muốn đánh chiếm Gaza nhưng kế hoạch phá sản. Đến thời Thủ tướng Yitzhak Rabin (1922-1995), ông đã từng nộ khí xung thiên đòi nhấn chìm dải Gaza xuống biển. Gaza trở thành ác mộng của Israel đến nỗi nếu muốn nói người nào đó quá tệ hại, người Israel thường nói “Lekh le-Azza!”, có nghĩa là “Đi Gaza đi!”.

Từ năm 1954, với sự giúp đỡ của Gamal Abdel Nasser (1918-1970, sau này là tổng thống Ai Cập), các đội cảm tử Hồi giáo đầu tiên từ dải Gaza đã xâm nhập vào miền Nam Israel. Israel đã trả đũa bằng nhiều chiến dịch đẫm máu.

Năm 1956, được Pháp và Anh cổ vũ, lần đầu tiên Israel đưa quân đánh chiếm dải Gaza và chiếm đóng trong ba tháng. Khi Israel rút quân, mầm mống của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã hình thành trên dải Gaza. Đến năm 1967, người Palestine ở dải Gaza tiếp tục sống dưới ách chiếm đóng của Israel thêm lần nữa nhưng lần này kéo dài gần 40 năm.

Trong thời gian Israel chiếm đóng Gaza, kinh tế Gaza đã có phần phát triển khá hơn, có mạng lưới điện, hệ thống nước và mỗi ngày gần 100.000 người Palestine sang Israel làm việc dưới sự kiểm soát gắt gao của binh lính Israel.

Năm 1970 và 1971, tướng Ariel Sharon (sau này làm thủ tướng Israel) đưa lực lượng đặc nhiệm càn quét các trại tị nạn ở Gaza. Sau đó, người Israel bắt đầu đổ xô sang dải Gaza lập khu định cư người Do Thái. Tháng 9-2000, một tháng sau khi chiến tranh đá cuội lần thứ hai bắt đầu, đạn pháo từ dải Gaza bắt đầu dội xuống lãnh thổ Israel.

Dải Gaza - Lò thuốc súng của Israel ảnh 1

Chọn thời điểm tấn công

Ngày 18-12-2008, phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố không tiếp tục kéo dài thời hạn ngừng bắn sáu tháng với Israel. Kế đến Israel mở chiến dịch không kích và đưa bộ binh vào dải Gaza.

Israel chọn thời điểm tấn công Gaza vào lúc này bởi mong muốn áp đặt một luật chơi mới trong buổi giao thời khá dài khi chính phủ cũ của Tổng thống Mỹ Bush ra đi và chính phủ mới của ông Barack Obama mới tiếp nhận bộ máy.

Một yếu tố quyết định thứ hai: Đây là thời điểm chiến dịch tranh cử ở Israel đang tiến hành chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 10-2 tới.

Các cuộc thăm dò gần cuối năm 2008 cho thấy bà Bộ trưởng Ngoại giao Tzipi Livni (đảng Kadima cầm quyền) đang so kè với Benjamin Netanyahu (đảng Likud) trong khi uy tín của Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak (Công đảng) đang rơi. Một tuần sau khi Israel mở chiến dịch không kích Gaza, chỉ số thăm dò dành cho Ehud Barak đã tăng vọt.

Về phía Palestine, Hamas cũng đang trong chiến dịch tranh thủ lòng dân sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thông báo bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào đầu năm nay.

Theo Bộ tổng tham mưu Israel, chiến dịch tấn công gồm hai mục tiêu chính: Kiểm soát phía bắc dải Gaza (từ đây Hamas bắn pháo sang Israel) và hủy diệt các đường hầm giữa Gaza và Ai Cập (đường vận chuyển vũ khí của Hamas).

Đây chỉ là mục tiêu trước mắt. Mục tiêu trung hạn và dài hạn của Israel là lật đổ chính quyền Hamas và kiểm soát toàn bộ Gaza. Tuy nhiên đến nay, Israel vẫn không đưa ra được giải pháp chính trị tiếp theo trong trường hợp phong trào Hamas bị lật đổ. Trong trường hợp này, người Palestine lại phải chịu đựng ách chiếm đóng của Israel thêm một lần nữa.

Hơn nửa thế kỷ xung đột Israel-Palestine

29-11-1947: LHQ thông qua kế hoạch phân chia lãnh thổ Palestine thành hai nhà nước: Israel và Palestine. Jerusalem do quốc tế kiểm soát.

14-5-1948: Israel tuyên bố độc lập. Một ngày sau, chiến tranh đầu tiên giữa Israel và các nước Ả Rập bùng nổ do các nước Ả Rập bác kế hoạch của LHQ. Năm sau, chiến tranh kết thúc, hiệp định Rhodes quy định ranh giới có giá trị.

24-4-1950: Jordan chiếm bờ Tây. Ai Cập kiểm soát dải Gaza.

Tháng 10 và 11-1956: Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez. Chiến tranh lần thứ hai giữa Israel và các nước Ả Rập. Israel chiếm bán đảo Sinai.

Từ ngày 5 đến 10-6-1967: Chiến tranh lần thứ ba giữa Israel và các nước Ả Rập (Cuộc chiến sáu ngày). Israel chiếm Sinai, dải Gaza, bờ Tây, Đông Jerusalem và cao nguyên Golan.

22-11-1967: Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 242 yêu cầu các nước Trung Đông thừa nhận lẫn nhau.

Từ ngày 6 đến 25-10-1973: Chiến tranh lần thứ tư giữa Israel và các nước Ả Rập (Cuộc chiến Kippour).

13-11-1974: Đại hội đồng LHQ thừa nhận người Palestine có chủ quyền và độc lập.

7-12-1987: Chiến tranh đá cuội lần thứ nhất của người Palestine.

15-11-1988: Hội đồng Dân tộc Palestine tuyên bố nhà nước Palestine độc lập.

13-9-1993: Hiệp định hòa bình Oslo giữa Israel và Palestine được ký kết. Hamas bác bỏ hiệp định này.

28-9-2000: Chiến tranh đá cuội lần thứ hai.

15-6-2007: Hamas làm chính biến, dùng vũ lực chiếm toàn bộ dải Gaza, đẩy lực lượng Fatah về khu bờ Tây. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố giải tán chính phủ do phe Hamas chiếm đa số và thành lập chính phủ khẩn cấp do ông Salam Fayad làm thủ tướng.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm