Đối thoại Shangri-La lần thứ 14: Đô đốc Tôn Kiến Quốc bao biện

Chiều 31-5, hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14 ở Singapore đã bế mạc sau hai ngày làm việc.

Ba phiên họp toàn thể hôm 30-5 đã thảo luận các chủ đề: Mỹ và các thách thức về an ninh châu Á-Thái Bình Dương; các hình thức mới về hợp tác an ninh ở châu Á; ngăn chặn leo thang xung đột.

Trong ngày 31-5 đã diễn ra hai phiên họp toàn thể với các chủ đề: Tăng cường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Cùng hợp tác cho giải pháp giải quyết các nguy cơ gia tăng xung đột; các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương: Xây dựng hợp tác giữa các khu vực.

Tại phiên họp toàn thể sáng 31-5, phái đoàn Trung Quốc do Đô đốc Tôn Kiến Quốc dẫn đầu đã bác bỏ yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra hôm trước đề nghị Trung Quốc ngưng xây dựng đảo nhân tạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trò chuyện với Đô đốc Tôn Kiến Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 30-5. Ảnh: AFP

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội, phát biểu quá đỗi lạc quan rằng: “Nói chung tình hình biển Đông đang bình yên và ổn định. Tự do hàng hải chưa bao giờ bị cản trở”.

Phát biểu này rõ ràng đã có ý đồ giảm thiểu nguy cơ gia tăng căng thẳng trên biển Đông xuất phát từ hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc khăng khăng bám luận điệu cũ rích rằng “Trung Quốc xây dựng trên biển Đông chủ yếu nhằm cải thiện hoạt động của một số đảo và rạn san hô, cải thiện điều kiện sống và điều kiện lao động của những người cư trú trên đó”.

Ông khoe khoang hàng loạt lý do bao biện, đó là các công trình xây dựng nhằm “bảo đảm tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực cứu nạn trên biển, ngăn ngừa thảm họa và cứu trợ nhân đạo, nghiên cứu khoa học đại dương, khảo sát khí tượng, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, đánh cá và dịch vụ”.

Ông còn ngang ngược nói: “dù có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để tuyên bố chủ quyền cũng như lợi ích không thể tranh cãi, Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế rất nhiều” (sic).

Báo South China Morning Post (Hong Kong) và AFP đưa tin trước thông tin từ Lầu Năm Góc khẳng định đã xác định một số vũ khí trên một đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép, ngày 31-5 tướng Trung Quốc về hưu Từ Quang Vũ không giấu giếm rằng đó là “bình thường”.

Từ Quang Vũ nói toạc ra bố trí pháo để phòng thủ và Trung Quốc không bao giờ che giấu ý định xây dựng các đảo nhân tạo vì mục đích dân sự và quân sự. Ông đổ lỗi Mỹ đang làm căng thẳng gia tăng ở biển Đông do muốn tăng cường sự hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương.

Theo báo South China Morning Post, tướng về hưu Từ Quang Vũ muốn ám chỉ cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về khoản viện trợ 425 triệu USD giúp tăng cường năng lực an ninh hàng hải trong ASEAN.

Báo Le Temps (Thụy Sĩ) đưa tin, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 30-5, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter thông báo Thụy Sĩ sẵn sàng đứng ra làm nhà trung gian giải quyết vấn đề căng thẳng biển Đông. Ông khẳng định Thụy Sĩ không phải là cường quốc biển nhưng lại là quốc gia mạnh về đàm phán nên có thể trở thành một tác nhân công bằng và đáng tin cậy thúc đẩy đối thoại. Ông nhấn mạnh Thụy Sĩ còn là cường quốc kinh tế có lợi ích to lớn liên quan đến tình hình ổn định khu vực và các tuyến hàng hải an toàn ở châu Á-Thái Bình Dương. Ông nhận định căng thẳng vẫn chưa đạt đến mức mọi nỗ lực ngoại giao đều vô ích.

_______________________________________

Khi căng thẳng tăng cao, nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến xung đột là rất thực tế… Úc sẽ cùng với Mỹ tham gia tuần tra ở biển Đông… Chúng tôi đã làm việc đó trong nhiều thập niên, hiện nay chúng tôi đang làm và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc KEVIN ANDREWS

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm