Mỹ cần thuyết phục Trung Quốc về tự do hàng hải

Đó là nhận định của nhà phân tích cao cấp Joseph Bosco (cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, đồng thời là cố vấn an ninh quốc gia) trong bài đăng trên tạp chíNational Interest (Mỹ) hôm 25-5.

Tác giả ghi nhận mặc cho Mỹ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế hành động đơn phương nhằm thực thi các tuyên bố không rõ ràng trên biển và tránh quấy nhiễu tự do hàng hải, Trung Quốc vẫn phớt lờ, cố tình mở rộng các đảo nhân tạo trên biển Đông.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang vật lộn tìm thời điểm và địa điểm thích hợp để khẳng định quyền tự do hàng hải theo Công ước của LHQ về Luật Biển, một công ước Mỹ tuân theo dù không ký kết trong khi Trung Quốc đã ký kết nhưng lại không tuân theo.

Nhà phân tích Joseph Bosco nhận thấy trong phương pháp hành động phản đối Trung Quốc, Mỹ dường như “bâng khuâng đứng giữa hai làn nước”: Hoặc tiến hành quyền tự do hàng hải bình thường, hoặc không làm gì ngoài phản đối suông bằng lời nói và ngoại giao như một cách ngầm thừa nhận các đảo bồi đắp trái phép là của Bắc Kinh.

Ông cho rằng Mỹ cần phải thực hiện quyền tự do hàng hải trên biển Đông, nếu không uy tín của Mỹ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nếu nhìn về quá khứ, người ta nhận thấy Mỹ kiên quyết hơn trong lời nói lẫn hành động chứ không quá do dự như bây giờ. Tháng 11-2013, khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, ngay lập tức Mỹ đáp trả bằng cách điều động hai máy bay ném bom B-52 bay vào vùng nhận dạng này.

Tháng 1-2008, Bắc Kinh lên tiếng phản đối nhóm tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Lúc đó Đô đốc Timothy Keating, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, đã khẳng khái tuyên bố: “Mỹ không cần Trung Quốc cho phép khi đi qua eo biển Đài Loan. Mỹ sẽ thực hiện quyền tự do qua lại của Mỹ bất cứ khi nào Mỹ cần, hay chính xác hơn là bất cứ khi nào Mỹ chọn”.

Thái độ không bằng lòng của Mỹ đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực đang được thể hiện bằng nhiều cách khác. Nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ không mời hải quân Trung Quốc tham gia Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào năm tới. Hội nghị các nhà lãnh đạo lực lượng đổ bộ châu Á-Thái Bình Dương (PACOM) ở Hawaii trong tháng 5 cũng vắng bóng Trung Quốc.

Mỹ cần phải thuyết phục TQ rằng tham gia hay không không phải là vấn đề, mà quan trọng là phải quan sát tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế.

ANH THAO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm