Năm 2016, GDP Trung Quốc tiếp tục giảm

Lần đầu tiên từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tụt xuống dưới chỉ tiêu 7%/năm.

Theo thông báo ngày 19-10 của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở quý III-2015 đạt 6,9%. Số liệu này cao hơn số liệu 6,8% Reuters đã khảo sát trước đó đối với 50 nhà kinh tế.

Người phát ngôn Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Thịnh Lai Vận đánh giá GDP 6,9% là mức giảm nhẹ hợp lý, dù vậy cũng thừa nhận môi trường kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn phức tạp và tình trạng tăng trưởng giảm sẽ tiếp tục gây sức ép với kinh tế Trung Quốc.

Theo báo cáo, tăng trưởng về vốn đầu tư cố định đạt 10,3% so với 10,9% của tháng 8 và so với chỉ tiêu 10,8%.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 5,7% so với 6,1% hồi tháng 8 và mức chỉ tiêu dự kiến 6,0%. Chỉ có bán lẻ tăng nhẹ lên 10,9% so với chỉ tiêu 10,8%.

Reuters nhận định các chỉ số tăng trưởng hằng tháng được công bố như trên là dấu hiệu cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại vẫn chưa chấm dứt mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực loại bỏ nguy cơ kinh tế tuột dốc đột ngột.

Kinh tế Trung Quốc tuột dốc sẽ ảnh hưởng kinh tế thế giới. Biếm họa của DARIO CASTILLEJOS, báo El Imparcial (Mexico)

Từ nhiều tháng nay, Trung Quốc nỗ lực thuyết phục thị trường thế giới về khả năng xoay chuyển kinh tế sau khi đột ngột giảm giá nhân dân tệ hồi tháng 8 gây rối loạn thị trường tài chính.

Trung Quốc thừa nhận kinh tế đang rơi vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn sau 1/4 thế kỷ tăng trưởng phi mã.

Nhà phân tích Louis Kuijs ở công ty tư vấn Oxford Economics tại Hong Kong nhận định tăng trưởng Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong năm 2016 do nguy cơ tồn tại trong thị trường bất động sản và xuất khẩu.

Báo Le Monde (Pháp) phân tích có ba lý do để lo ngại kinh tế Trung Quốc:

Giảm sút tính cạnh tranh: Trung Quốc cần nâng lương cho người lao động vì họ cũng chính là người tiêu dùng. Tuy nhiên, chi phí bỏ ra càng cao thì lại khó cạnh tranh với các nước có mức lương thấp.

Để bù đắp chi phí, Trung Quốc phải phát triển lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.

Chuyến thăm Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 19 đến 23-10 cũng nhằm cổ súy cho các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc.

Thời kỳ quá độ nhạy cảm: Trung Quốc đang cân bằng lại kinh tế. Trong giai đoạn chính sách cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng năm 1978, Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào cơ sở hạ tầng (đường sá, khu dân cư mới, cảng, đường sắt…).

Tăng trưởng tăng đồng nghĩa với nợ bành trướng. Nay Trung Quốc tổ chức lại cơ cấu kinh tế, giảm phụ thuộc vào đầu tư công và bất động sản đồng thời tập trung phát triển thị trường nội địa.

Phát triển nóng không bền vững: Một ví dụ rõ ràng nhất là chỉ số chứng khoán Thượng Hải tăng vọt hơn 150% cho đến ngày 12-6 cho dù kinh tế Trung Quốc tụt giảm. Kế tiếp, các biện pháp đưa ra càng làm khó khăn gia tăng. Ví dụ chính phủ điều tra giới môi giới chứng khoán, sau đó bơm tiền hàng loạt để hãm đà giảm chứng khoán trong khi chính ông Tập lại cam kết để thị trường giữ vai trò quyết định.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã tỏ ra lo ngại về kinh tế Trung Quốc trong trả lời phỏng vấn của Reuters trước chuyến viếng thăm Anh. Hôm 17-10, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng thừa nhận đạt được mức 7% tăng trưởng GDP không dễ dàng chút nào. Các chuyên gia phương Tây không tin tưởng số liệu chính thức cho chính phủ Trung Quốc công bố. Văn phòng tư vấn Capital Economics (Pháp) cho rằng tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc chỉ đạt 4,5%.

7,3% là mức tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2014. Ở hai quý đầu năm 2015, GDP đạt 7%. Đến quý III GDP còn 6,9%.

 _________________________________________

Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong năm 2016.

Nhà phân tích LOUIS KUIJS
ở công ty tư vấn Oxford Economics tại Hong Kong

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm